[ẢNH] Vì sao Hải quân Nga đột ngột rút khỏi Syria khi tình hình chưa hết nóng?

ANTD.VN - Tình hình chiến sự tại Syria vào thời điểm hiện tại vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bộc phát bất cứ lúc nào, vì vậy việc Hải quân Nga bắt đầu rút khỏi quốc gia Trung Đông đã gây ra khá nhiều thắc mắc.

Hải quân Nga bắt đầu tăng cường lực lượng trở lại Syria vào thời điểm cách đây gần 4 tháng, khi chiến dịch tấn công quân sự của Quân đội chính phủ Syria được cho là sắp tiến hành.

Tại thời điểm đó, Hải quân Mỹ và đồng minh cũng cho tàu chiến áp sát bờ biển Syria để sẵn sàng can thiệp với lý do nước này dùng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Việc Hải quân Nga cấp tốc điều động lực lượng lên tới khoảng 20 tàu chiến để tạo lập lá chắn bên ngoài khơi Địa Trung Hải được nhận xét là có tác dụng răn đe khá lớn, khiến Mỹ phải cân nhắc kỹ nếu có ý định tấn công.

Nhưng sau đó khi chiến dịch tổng tấn công Idlib chính thức bị hủy bỏ bằng một hiệp định hòa bình thì Hải quân Nga vẫn chưa được giảm trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Sự kiện chiếc máy bay trinh sát điện tử Il-20 ELINT bị phòng không Syria bắn rơi với cáo buộc do tiêm kích F-16I của Không quân Israel gài bẫy đã khiến Moskva vô cùng tức giận.

Biên đội tàu chiến Nga lập tức được lệnh dàn đội hình tập trận bắn đạn thật ngay ngoài khơi vùng biển quốc tế gần Israel như một cách thể hiện thái độ của họ.

Sau một số động thái hòa giải mới, nguy cơ chiến tranh giữa các cường quốc có vẻ tạm thời được đẩy lùi nhưng chưa vì vậy mà nhóm chiến hạm Mỹ đã rút khỏi Địa Trung Hải.

Do vậy việc Hải quân Nga bước đầu cho hồi hương 2 tàu tên lửa cỡ nhỏ Grad Sviyazhsk và Veliky Ustyug thuộc lớp Buyan-M để trở về căn cứ bên bờ biển Đen đã gây ngạc nhiên lớn.

Được biết chiếc Grad Sviyazhsk (số hiệu 652) và Veliky Ustyug (số hiệu 651) bắt đầu triển khai tại Syria hồi tháng 6 vừa qua, như vậy thời gian mà nó lưu lại quốc gia Trung Đông này là gần 4 tháng.

Sau 2 tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M, khả năng rất cao là Hải quân Nga sẽ tiếp tục rút bớt nhiều chiến hạm cỡ lớn trở về căn cứ trong vài ngày tới.

Giải thích việc làm trên, một số nhận định cho rằng Nga cũng bắt đầu muốn "xuống thang" vì nếu duy trì một lực lượng lớn tại Syria thì Moskva rất dễ bị sa lầy.

Chi phí cho việc duy trì một biên đội tàu chiến lên tới 20 chiếc liên tục trong nhiều tháng trời là cực kỳ tốn kém, buộc Nga phải có sự điều chỉnh khi căng thẳng đã giảm nhiệt.

Bên cạnh đó, nhóm tàu chiến Mỹ hiện tại không có lý do để tấn công Syria khi chiến dịch Idlib đã bị hủy bỏ, tàu đổ bộ tấn công USS Essex mang đầy tiêm kích hạm F-35B cũng đã rút khỏi thành phần trực chiến tại đây.

Thực tế lúc này thì Hải quân Nga chỉ cần duy trì tại quân cảng Tartus của Syria một biên đội tàu chiến với quy mô nhỏ là đủ, có lẽ suy nghĩ như vậy đã khiến Nga tiến hành một đợt rút quân quy mô.