[ẢNH] Từ bỏ tiêm kích NATO, Ukraine nối lại sản xuất MiG-29, Su-27 "răn đe Nga"

ANTD.VN - Việc quay lại sản xuất mới tiêm kích MiG-29 và Su-27 được cho là phù hợp với Không quân Ukraine hơn là mua chiến đấu cơ phương Tây.

Trong thời gian qua, giới quân sự Ukraine đã tỏ rõ ý định “NATO hóa” toàn diện lực lượng vũ trang của mình, bên cạnh lục quân hay hải quân thì không quân cũng chẳng phải là ngoại lệ.

Chính quyền Kiev cho biết họ muốn loại bỏ “tàn dư Liên Xô” là những tiêm kích MiG-29, Su-27; cường kích Su-25 hay máy bay ném bom tiền tuyến Su-24...

Ứng viên thay thế được chỉ ra đó là tiêm kích hạng nhẹ JAS-39 Gripen của Thụy Điển hay F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất; còn tiêm kích nặng được xác định là F-15 Eagle.

Tuy nhiên tham vọng của Ukraine bị “dội gáo nước lạnh” khi các đối tác nước ngoài không sẵn sàng cung cấp máy bay với giá ưu đãi, trước bối cảnh ngân sách quốc phòng hạn hẹp thì Kiev đã phải tính bước đi mới.

Hiện tại những tranh cãi tập trung vào việc có nên mua máy bay chiến đấu mới ở nước ngoài, hay nên tập trung vào sản xuất trong nước. Viện Nghiên cứu Hàng không Nhà nước Ukraine vừa qua đã chia sẻ đề xuất của họ liên quan tới vấn đề trên.

Đại diện của Viện nghiên cứu là hai chuyên gia V. Taranenko và Y. Kotsurenko, họ đề nghị các nhà chức trách tập trung vào việc nội địa hóa sản xuất các máy bay chiến đấu do Liên Xô thiết kế ngay trong nước.

Công trình của hai ông Taranenko và Kotsurenko mang tiêu đề: "Biện minh cho tính khả thi, khả năng và lợi ích tài chính của việc sản xuất máy bay chiến thuật thế hệ thứ tư ở Ukraine thay vì mua các sản phẩm tương tự ở nước ngoài".

Chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Hàng không Nhà nước Ukraine đề xuất nội địa hóa sản xuất máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 tại những cơ sở trong nước. Tất nhiên không có bất kỳ câu hỏi nào về việc tuân thủ "bản quyền".

Vấn đề tiếp theo là nên tổ chức sản xuất các loại máy bay chiến đấu này tại doanh nghiệp nào, khi phía Ukraine tự tin cho rằng mình có trong tay đầy đủ công nghệ và kỹ thuật cần thiết.

Đề xuất của Viện Nghiên cứu Nhà nước về Hàng không của Ukraine nói rằng quá trình sản xuất có thể được thực hiện ở Lvov - tại nhà máy sửa chữa máy bay địa phương, cũng như tại xí nghiệp MiGremont ở vùng Zaporozhye.

Tại Ukraine, nhiều ý kiến cho rằng nếu các doanh nghiệp này thực hiện được việc sửa chữa Su-27 và MiG-29 thì họ sẽ không khó chuyển sang sản xuất máy bay chiến đấu theo dây chuyền của mình.

Đồng thời các Viện sĩ có kế hoạch trang bị cho tiêm kích nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả tên lửa không đối không do nước ngoài sản xuất.

Tuy nhiên khía cạnh tài chính của vấn đề vẫn chưa được báo cáo: chi phí bao nhiêu để thiết lập dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu do Liên Xô thiết kế?

Bên cạnh đó, hiện nay ý tưởng của đại diện Viện Nghiên cứu Nhà nước về Hàng không của Ukraine đã bị chính các chuyên gia quân sự ở trong nước chỉ trích.

Họ cho rằng các loại tiêm kích như MiG-29 và Su-27 khó có thể được gọi là hiện đại và khi cơ sở sản xuất chúng được thiết lập (nếu điều đó xảy ra) ở Lvov và Zaporozhye, các đơn vị chiến đấu chưa được xuất xưởng đã lỗi thời.