[ẢNH] Tốc độ lây nhiễm Covid-19 trên thế giới giảm gần 45%

ANTD.VN -  Trên thế giới đã ghi nhận có hơn 108,6 triệu ca nhiễm Covid-19, tuy vậy sau thời gian lây nhiễm kinh hoàng, lượng ca mới tháng qua đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2019.

Thế giới ghi nhận 108.712.368 ca nhiễm và 2.392.588 ca tử vong, trong khi 80.721.609 người đã bình phục, cập nhật theo thời gian thực của trang Worldometers (lúc 9h ngày 13-2-2021 giờ Việt Nam).

Số ca mắc mới tiếp tục giảm trong tuần qua, trung bình có 412.700 ca được ghi nhận một ngày, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 743.000 ca mới một ngày được ghi nhận trong tuần đầu tháng 1-2021. Số ca nhiễm mới hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 10, theo thống kê của AFP
Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu của Đại học Geneva, cho biết "số ca mắc mới giảm gần như ở mọi nơi trên thế giới".
Nhưng ông nói rằng có nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại nếu các chính phủ lặp lại "những sai lầm trong quá khứ", trong đó ông nhấn mạnh hậu quả của việc dỡ bỏ phong tỏa quá sớm vào mùa hè năm ngoái ở châu Âu.
Trong tuần qua, số ca mắc mới giảm 24% ở Mỹ và Canada, 20% ở châu Phi, 18% ở châu Á, 15% ở châu Âu, 10% ở Mỹ Latinh và Caribe, 2% ở Trung Đông. Riêng Châu Đại Dương chỉ ghi nhận trung bình 12 trường hợp mắc bệnh mỗi ngày.
Tuần này, các quốc gia ít ca mắc Covid-19 mới chính là những nước đang áp đặt phong tỏa. Ở Bồ Đào Nha, số ca mới giảm 54% còn Israel giảm 39%. Israel bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ ngày 7-2. Họ là nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới - 44% dân số đã tiêm một liều và 28% đã tiêm hai liều.
Tây Ban Nha là nước ghi nhận mức giảm lớn thứ ba, với 39%, tiếp theo là Nam Phi (giảm 37%), Colombia (35%) và Nhật Bản (35%).
Trong khi đó, số ca mắc mới tăng mạnh nhất 81% ở Iraq, theo sau là Jordan (tăng 34%), Hy Lạp (29%), Ecuador (21%) và Hungary (16%).

Mỹ vẫn là nước báo cáo số ca mắc mới cao nhất, với trung bình 101.800 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này giảm gần 1/4 trong tuần qua.

Tổng thống Joe Biden ngày 11-2 cho biết Mỹ đã ký thỏa thuận đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 và đang trên đà cung cấp đủ vaccine cho 300 triệu người Mỹ vào cuối tháng 7-2021, qua đó tiêm chủng thành công cho phần lớn dân số.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình, 1,49 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm mỗi ngày trong tuần trước, tăng từ mức trung bình 900.000 liều khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức ngày 20-1. Hiện Mỹ đã tiêm vaccine cho 44,7 triệu người.
Brazil hôm 6-2 nhận lô hàng gồm 88 lít hoạt chất đầu tiên để sản xuất vaccine Covid-19 của AstraZeneca, cho phép trung tâm y sinh Fiocruz có thể xuất xưởng 2,8 triệu liều vaccine.
Trung tâm này dự kiến nhận thêm nhiều lô hàng khác trong tháng này để tạo ra tổng cộng khoảng 15 triệu liều vaccine.
Hiện tại, chỉ những mũi tiêm do AstraZeneca và công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển mới được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Brazil. Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa hôm 6-2 cho biết Pfizer đã nộp đơn xin phê duyệt vaccine Covid-19 tại nước này. Brazil hiện tiêm chủng cho 4,2 triệu người.

Anh đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 70 tuổi, những người dễ bị tổn thương, các nhân viên y tế tuyến đầu vào giữa tháng hai. Tốc độ tiêm chủng đang ở mức 400.000 mũi mỗi ngày, khiến Anh chỉ đứng sau Israel và UAE về số liều tiêm trên 100 người.

Thế giới đã phát triển thành công các loại vaccine Covid-19, tuy vậy loại virus gây ra đại dịch này cũng tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn và khó điều trị hơn.
Mặt khác việc cung ứng đủ vaccine Covid-19 cho các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển và nước nghèo vẫn là một thách thức.
Diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, tỷ lệ tử vong mỗi ngày vẫn đang ở mức cao. Mỹ vẫn là nước báo cáo ca tử vong mới cao nhất trong tuần qua, trung bình 2.784 người mỗi ngày, theo sau là Mexico (1.187), Brazil (1.058), Anh (754) và Đức (555).