[ẢNH] Tại sao Mỹ tố tên lửa siêu vượt âm Zircon Nga 'gây bất ổn'?

ANTD.VN -  Lầu Năm Góc coi siêu tên lửa Zircon có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga là một vũ khí có nguy cơ "gây bất ổn", tuyên bố được đưa ra sau khi Nga thử tên lửa siêu vượt âm này.
Đúng như dự đoán, không lâu sau khi Nga tuyên bố thử nghiệm siêu tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon thành công, Mỹ và NATO đã quan ngại sâu sắc và lên tiếng phản đối.
Lầu Năm Góc coi siêu tên lửa Zircon của Nga trang bị trên tàu chiến Đô đốc Gorshkov là một vũ khí có nguy cơ "gây bất ổn".

"Chúng tôi chắc chắn biết về tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin về các loại vũ khí siêu vượt âm của Nga", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ngày 19/7 trả lời khi được hỏi về vụ hải quân Nga thử tên lửa siêu vượt âm Zircon.

"Điều quan trọng cần lưu ý là tên lửa siêu vượt âm mới của Nga tiềm tàng khả năng gây bất ổn và rủi ro đáng kể do chúng là hệ thống có khả năng mang đầu đạn hạt nhân", ông John Kirby nhấn mạnh.

"Trái ngược với Nga, Mỹ và NATO chỉ đang phát triển năng lực tấn công siêu vượt âm phi hạt nhân. Chúng tôi duy trì cam kết răn đe, đồng thời thúc đẩy ổn định hơn nữa trong khu vực", ông John Kirby cho biết, song không giải thích lý do Mỹ chọn không trang bị đầu đạn hạt nhân cho vũ khí siêu vượt âm.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc đưa ra bình luận trên sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo hộ vệ hạm Đô đốc Gorshkov thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon đánh trúng mục tiêu trên bờ biển Barents, cách vị trí phóng 350 km.
Tên lửa Zircon đạt tốc độ Mach 7 trong cuộc thử nghiệm khi chúng lao tới mục tiêu. Nga còn cho biết loại tên lửa này có thể đạt tới Mach 9.
Tên lửa siêu vượt âm Zircon được cho là có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền ở khoảng cách 1.000 km.
Bộ Quốc phòng Nga dự kiến trang bị tên lửa siêu vượt âm này cho chiến hạm mặt nước và tàu ngầm.

Một nguồn tin cho biết Nga sẽ hoàn thành các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Zircon trên chiến hạm mặt nước vào mùa hè này.

Các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước với hệ thống phóng trên mặt nước và dưới nước dự kiến hoàn thành cuối năm 2021.
Thứ trưởng Quốc phòng Alexey Krivoruchko hồi tháng 1 cho biết Nga có thể sản xuất hàng loạt tên lửa Zircon cho hải quân vào năm 2022.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố các "siêu vũ khí" này sẽ giúp Moskva cân bằng sức mạnh chiến trường với các đối thủ cũng như san bằng năng lực tấn công tầm xa với Mỹ.

Ông Putin hồi năm ngoái cũng ca ngợi vụ phóng thử tên lửa Zircon là "sự kiện quan trọng với đất nước" và "đóng góp cho an ninh quốc gia".

Hiện tên lửa Zircon đã được trang bị cho khu trục hạm Đô đốc Golovko. Được biết chiếc tàu này có thể mang tới 48 tên lửa Zircon.
Tên lửa Zircon có khả năng tấn công cả mục tiêu trên biển và trên đất liền. Tốc độ bay quá nhanh, quỹ đạo bay linh hoạt vì thế Mỹ và NATO đang đau đầu tìm cách để đối phó với loại tên lửa cực nguy hiểm này.