[ẢNH] Sửng sốt trước vai trò thực của tàu ngầm hạt nhân Poseidon: Sát thủ tàu sân bay?

ANTD.VN - Mục đích thực sự của Hải quân Nga trong việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân không người lái (ngư lôi) Poseidon đang được các chuyên gia quân sự đặt những dấu hỏi lớn.  

Tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon ban đầu được biết đến dưới tên gọi ngư lôi hạt nhân Status-6 khi truyền thông Nga "vô tình" tiết lộ về nó trong một phóng sự.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm hạt nhân cảm tử Poseidon sẽ được sử dụng như một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dưới nước khi có tầm bắn gần như không giới hạn.

Khả năng đánh chặn tàu ngầm Poseidon bị đánh giá là khó khăn hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo, bởi phương tiện này có độ ồn rất nhỏ và thực hiện được lộ trình tinh vi nhờ có trí thông minh nhân tạo.

Với đầu đạn có đương lượng nổ 2 MT, tàu ngầm hạt nhân cảm tử Poseidon khi phát nổ sẽ tạo ra một cơn sóng thần khủng khiếp, đủ sức quét sạch các thành phố ven biển của Mỹ.

Tuy nhiên mới đây nhà phân tích Michael Peck trên tạp chí National Interest đã bày tỏ nghi ngờ của mình về mục đích thực sự của Nga khi chế tạo thứ vũ khí đặc biệt này.

Theo ông Peck, với tốc độ tối đa khoảng 160 km, ngư lôi Poseidon phải mất tới vài ngày thậm chí vài tuần để tiếp cận mục tiêu, trong khi đó tên lửa đạn đạo liên lục địa chỉ yêu cầu không quá 30 phút.

Một hành trình quá dài dưới đáy đại dương sẽ khiến cho đối phương gia tăng đáng kể khả năng đánh chặn thứ vũ khí này, thậm chí khoảng thời gian đó đủ để gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước Nga.

Một điều nữa cần lưu tâm đó là theo quảng cáo của Nga thì công nghệ lò phản ứng hạt nhân áp dụng trên chiếc Poseidon vượt trội mọi đối thủ trên thế giới.

Điều này dẫn tới nghi ngờ rằng nếu năng lực khoa học công nghệ của Nga siêu việt như vậy thì tại sao các tàu ngầm hạt nhân thông thường của họ vẫn phải vượt quãng đường khá dài để đuổi kịp người Mỹ.

Thậm chí khi đã chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ thì Nga có thể lắp thiết bị này cho mọi tàu ngầm diesel-điện thông thường như lớp Kilo hay Lada để nâng cao năng lực tác chiến của chúng.

Thêm vào đó, với tầm bắn gần như không giới hạn thì tại sao chiếc Poseidon không được phóng đi từ ngay trong lãnh hải nước Nga, ví dụ như từ một căn cứ hải quân bí mật mà lại phải tích hợp vào chiếc Belgorod.

Phải chăng mục đích thực sự của Nga khi chế tạo tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon chẳng phải để tấn công vào lãnh thổ Mỹ mà nó đơn giản chỉ là một thứ vũ khí đối kháng mà thôi.

Trước sự vượt trội của hạm đội tàu sân bay Mỹ, Hải quân Liên Xô trước kia và Hải quân Nga ngày nay đã lên kế hoạch trang bị cho tàu ngầm tấn công các loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân.

Thứ vũ khí này nếu âm thầm tiếp cận được biên đội tàu sân bay đối phương thông qua tàu ngầm mẹ thì chỉ cần duy nhất một phát bắn cũng hoàn thành nhiệm vụ và gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề.

Có lẽ đây mới là mục đích thực sự của Nga khi thiết kế Poseidon, vì nó là vũ khí khó nhận biết hơn nhiều so với tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo diệt hạm vốn rất khó vượt qua chiếc ô phòng không Aegis của chiến hạm Mỹ.

Nếu những nhận định trên của chuyên gia Michael Peck đều chính xác thì có lẽ tên gọi ban đầu là ngư lôi hạt nhân Status-6 phản ánh đúng hơn bản chất thứ vũ khí có một không hai này của Nga.