[ẢNH] Su-75 Nga chói sáng mọi thông số, nhưng coi chừng đối thủ J-31 Trung Quốc

ANTD.VN -  Su-75 Checkmate được công bố với những thông số tuyệt vời như tính năng chiến đấu đỉnh cao, giá thành siêu rẻ. Tuy vậy đây mới chỉ là mô hình trình diễn, trong khi mẫu J-31 Trung Quốc đã có thể tung cánh trên bầu trời.
Su-75 Checkmate là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 trang bị một động cơ do hãng Sukhoi phát triển. Sau hơn 50 năm, hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Nga này mới quay lại thiết kế dòng chiến đấu cơ một động cơ.
Điểm nổi trội của dòng chiến đấu cơ một động cơ là giá thành khai thác rẻ, dễ tiếp cận khách hàng trên thị trường vũ khí.
Với Su-75 Checkmate, ưu thế lại được tăng lên gấp bội do đây là chiến đấu cơ tàng hình với tính năng tác chiến đỉnh cao, trong khi giá thành lại rẻ hàng đầu thế giới.

Với mức giá chỉ từ 25 - 30 triệu USD theo như nhà sản xuất công bố, Su-75 Checkmate đủ sức đè bẹp mọi đối thủ, từ chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 cho tới cả thế thế hệ thứ 5 như F-35 và J-31 Trung Quốc.

Tuy vậy không ít ý kiến nghi ngờ về mức giá thành công bố, chiến đấu cơ MiG-29 đang được Nga chào bán ở mức 60 triệu USD, Su-35 lên tới 110 triệu USD, không hiểu vì sao Su-75 dù là tiêm kích thế hệ thứ 5 lại có mức giá rẻ đến không ngờ như thế.

Nhưng bỏ qua giây phút phấn khích, nhìn vào thực tế sẽ đưa chúng ta đối diện với thực tại rằng, Su-75 Checkmate mới chỉ là mô hình trình diễn.

Một số nhà quan sát cho rằng, Su-75 Checkmate ngoài ghế phóng phi công, bộ càng đáp là thật do lấy từ kho sẵn có, ngoài ra màn hình LCD buồng lái có thể hiện thị, còn lại đa số các cấu kiện đều là mô hình bằng nhựa.

Từ mô hình đến nguyên mẫu bay thử là cả một vấn đề lớn, đòi phải cần thời gian và tiền bạc.

Rõ ràng nếu chỉ xét về thông số nhà phát triển công bố, J-31 hoàn toàn "không đủ tầm" để sánh với Su-75. Nhưng nếu nhìn thực tế thì lại rất khác do J-31 đã có nguyên mẫu bay thử, trong khi Su-75 cần ít nhất từ 2 đến 3 năm nếu mọi sự xuôi thuận.

Chiến đấu cơ thuộc dòng siêu vũ khí, chúng đòi hỏi quá trình phát triển phức tạp và đắt đỏ, quy trình chế tạo sẽ bắt buộc đi qua 4 giai đoạn. Giai đoạn ý tưởng (mô hình) - giai đoạn chế tạo nguyên mẫu thử nghiệm trên mặt đất - giai đoạn chế tạo nguyên mẫu bay thử - cuối cùng là giai đoạn đi vào sản xuất loạt để trang bị.

Từ nguyên mẫu bay thử cho tới khi sản xuất loạt đi vào biên chế lại cần khoảng thời gian và ngân sách rất lớn. Su-57 bay thử lần đầu vào năm 2010, nhưng cho tới nay mới chỉ có một chiếc được biên chế, nhưng vẫn phải sử dụng động cơ của chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 do chưa hoàn thiện phần động cơ.

Kỹ thuật có thể Nga có thừa, nhưng tài chính lại là cái họ thiếu. Chính Moscow cũng phải thừa nhận rằng, sự thành công của Su-75 Checkmate sẽ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nghĩa là các nước có nguyện vọng sử dụng loại chiến đấu cơ này sẽ phải bỏ tiền vào đầu tư để hoàn thiện chúng.

F-35 Mỹ là điển hình cho hình thức kêu gọi khách hàng tương lại đầu tư để hoàn thiện dự án. Anh đóng góp 2 tỷ USD, Ý góp 1 tỷ USD, Hà Lan góp 800 triệu USD, Canada góp 440 triệu, Thổ Nhĩ Kỳ góp 175 triệu, Úc góp 144 triệu, Na Uy góp 122 triệu, Đan Mạch góp 110 triệu, Israel và Singapore đều ít nhiều có phần đóng góp vào dự án

Nga gần như có rất ít đồng minh chịu 'hùn' tiền cho các dự án vũ khí ngoại trừ Ấn Độ, nhưng một mình New Delhi là không thể. Trong khi đó Trung Quốc lại đang rất sẵn tiền, tuy vậy cái mà Bắc Kinh đòi hỏi nếu góp tiền lại là chia sẻ công nghệ cốt lõi, đây là điều mà Nga khó chấp nhận.
Quay trở lại với J-31, đây là dòng tiêm kích tàng hình thứ hai của Trung Quốc sau J-20. Dù bị tố là sao chép thiết kế từ F-35 Mỹ, nhưng nhờ có nguồn ngân sách dồi dào, họ vẫn đẩy nhanh được tốc độ phát triển.
J-31 cất cánh lần đầu tiên vào năm 2012, ra mắt công chúng vào năm 2014, tới nay chúng vẫn không ngừng được phát triển hoàn thiện, thậm chí Bắc Kinh còn giới thiệu biến thể FC-31 cho việc xuất khẩu.

Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc có xu hướng sẽ chế tạo thành công nguyên mẫu bay thử sau đó mới giới thiệu công chúng, trong khi Nga hiện nay lại làm điều ngược lại, họ sẽ giới thiệu mô hình dự án trước khi có nguyên mẫu bay thử. Giới quan sát đặt câu hỏi, liệu Nga làm thế với Su-75 có phải để thu hút đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống?

Trung Quốc nhờ tốc độ phát triển kinh tế thần kỹ, họ đã cho ra đời nhiều dòng vũ khí mới trong đó có các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. J-31 có chiều dài 16 m; sải cánh 11 m; chiều cao 5,3 m, trọng lượng cất cánh tối đa là 25 tấn.
Máy bay được trang bị động cơ RD-93 của Nga có lực đẩy khô 49,4 kN và 85,3 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội. Ngoài ra Bắc Kinh đang phát triển động cơ nội địa WS-13 để trang bị cho dòng máy bay này.
Vận tốc lớn nhất của J-31 là mach 1.8, tầm bay là 4.000 km, bán kính chiếu đấu là 1.250km.
J-31 có hai khoang vũ khí trong thân để chứa tên lửa và bom thông minh, khi không ở chế độ tàng hình chúng có thêm 12 điểm treo vũ khí.
Khối lượng vũ khí mang theo ở chế độ tàng hình là khoảng 2 tấn, trong khi ở chế độ không tàng hình ở mức khoảng 6-7 tấn.
Tuy chưa công bố chi tiết, nhưng giới quan sát cho rằng J-31 cũng sẽ được trang bị radar mảng pha chủ động với tầm phát hiện và dẫn bắn mục tiêu vượt trội so với radar mảng pha bán chủ động.
J-31 được Trung Quốc định hình là dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 hạng nhẹ được phát triển cho nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu, chúng sẽ cạnh tranh trực tiếp với F-35 Mỹ và tới đây là Su-75 Nga.