Anh sẽ không cung cấp thêm xe tăng Challenger 2 cho Ukraine?
Việt Hùng
ANTD.VN - Truyền thông Nga dẫn nguồn từ tờ Telegraph cho biết, Bộ Quốc Anh đã quyết định không chuyển thêm bất cứ một xe tăng Challenger 2 nào cho Ukraine nữa. Động thái diễn ra sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên phá hủy được dòng siêu tăng này.
Tờ Telegraph của Anh dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết, Anh sẽ ngừng cung cấp xe tăng Challenger 2 cho Ukraine.
Những chiếc xe tăng hiện có dự kiến sẽ được nâng cấp lên phiên bản Challenger 3 nhằm đảm bảo an ninh nội bộ của Vương quốc Anh.
Truyền thông Nga cho rằng, Anh ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, vì những vũ khí này trong tay Kiev không đạt được kết quả như mong đợi.
Challenger 2 do Anh sản xuất được coi là dòng chiến xa có giáp bảo vệ tốt nhất hiện nay trên thế giới, tuy vậy video chiến trường cho thấy một chiếc Challenger 2 đã bốc cháy ở tỉnh Zaporizhzhia, trở thành chiếc xe tăng đầu tiên bị Nga phá hủy.
Siêu tăng Challenger 2 là dòng chiến xa chủ lực thế hệ thứ ba của Anh, cùng thế hệ với xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ, Leopard-2 của Đức và T-90 của Nga.
\
Challenger-2 sở hữu bộ giáp Chobham (hay Dorchester), tốt nhất thế giới.
Thành phần cấu tạo bộ giáp là bí mật nhưng được cho là cứng hơn thép hai lần và có thể sống sót sau đòn tấn công trực tiếp từ pháo tăng 125mm đối phương.
Triết lý chế tạo của người Anh là đặt an toàn cho kíp điều khiển lên hàng đầu, vì thế Challenger 2 là một trong những loại xe tăng có hệ thống phòng vệ tốt nhất thế giới, có thể bảo vệ kíp lái ngay cả khi xe bị trúng đạn.
Trong suốt quá trình tham chiến cho tới khi xung đột Đông Âu nổ ra, Challenger 2 gần như "bất khả chiến bại", ngay cả khi hứng chịu hàng chục quả đạn RPG-7 bắn vào như tại chiến trường Iraq.
Cụ thể trong trận chiến tại thành phố Basra, Iraq một chiếc Challenger 2 bị trúng tới 70 phát đạn RPG nhưng tổ lái vẫn an toàn.
Challenger 2 là xe tăng chủ lực của quân đội Hoàng gia Anh, ra đời năm 1998 nhằm thay thế cho xe tăng chủ lực Challenger 1.
Challenger 2 trang bị nhiều hệ thống điện tử hiện đại, trong đó có bộ xử lý đặc biệt giúp tối ưu hóa hoạt động cho xạ thủ, chỉ huy.
Challenger 2 chính thức được sử dụng trong lục quân Anh kể từ năm 2001. Mặc dù được dựa theo Challenger 1, nhưng Challenger 2 chỉ sử dụng 5% các thiết bị giống với phiên bản cũ.
Anh hiện đang có kế hoạch nâng cấp Challenger 2 với hệ thống tự vệ chủ động Trophy của Israel.
Về hỏa lực xe tăng Challenger 2 được trang bị pháo nòng xoắn 120mm L30A1 cực mạnh.
Ngoài việc được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, Challenger 2 còn được tích hợp hàng loạt hệ thống điện tử hỗ trợ tác chiến, cho phép kíp xe hoạt động hiệu quả hơn.
Điển hình trong số đó là hệ thống ngắm cho phép chỉ huy xe và xạ thủ có thể quan sát cùng lúc một mục tiêu.
Ngoài ra Challenger 2 còn được trang bị súng máy đồng trục L94A1 7.62mm bên trái tháp pháo với tốc độ bắn 520-550 viên/phút.
Bên trên tháp pháo còn được tích hợp hệ thống vũ khí điều khiển tự động với một súng máy L37A2 7.62mm có thể điều khiển từ bên trong xe, hoặc trang bị súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm.
Pháo tăng trên Challenger 2 có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, trong số này có đạn xuyên giáp với thành phần là uraium nghèo.
Loại đạn này có thể dễ dàng xuyên thủng giáp xe tăng hiện đại của đối phương từ khoảng cách lên tới trên 2.000 mét.
Việc kết hợp giữa đạn xuyên giáp với hệ thống điều khiển hỏa lực cực hiện đại cho phép Challenger 2 nhanh chóng loại bỏ đối thủ. Điều này đã được chứng minh trong chiến tranh Vùng Vịnh khi xe tăng Anh đối đầu xe tăng T-72 Iraq.
Để di chuyển cỗ xe tăng nặng 62,5 tấn này, xe được trang bị động cơ diesel Perkins CV-12 TCA Condor với công suất 1.200 mã lực, giúp xe đạt tốc độ 60 km/h (đường bằng).
Thông số cơ bản của xe tăng Challenger 2: chiều dài 8,3 m (11,5 m với pháo quay về phía trước); chiều rộng 3,5 m (4,2 m khi lắp thêm giáp phụ); chiều cao 2,49m; trọng lượng 62,5 -66 tấn; kíp xe 4 người.
Challenger 2 đã góp công rất lớn giúp Quân đội Hoàng gia Anh giành được những chiến thắng vang dội tại chiến trường Iraq.
Quân đội Anh nhận bàn giao tổng cộng 386 xe tăng Challenger 2, trong đó 227 chiếc đang được biên chế, số còn lại được đưa vào dạng niêm cất.
Ngoài Anh, chỉ có Qatar sở hữu xe tăng Challenger 2 với 38 chiếc trong biên chế.
Khi xung đột Đông Âu nổ ra, Anh đã viện trợ cho Ukraine 14 chiếc xe tăng Challenger 2, chúng được biên chế cho Lữ đoàn Xung kích đường không số 82.
Video được OSINTtechnical, tài khoản chuyên theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine, đăng trên Twitter hôm 5/9 cho thấy một xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cháy rụi trên tuyến đường gần Rabotino, ngôi làng chiến lược ở tỉnh Zaporizhzhia được quân đội Ukraine giành lại hồi tuần trước sau gần 3 tháng phản công.
"Đây là lần đầu tiên Kiev mất xe tăng Challenger 2 do Anh cung cấp trên chiến trường. Quân đội Ukraine biên chế tổng cộng 14 chiếc", chuyên gia quân sự Mỹ David Axe viết trên Forbes.