[ẢNH] Sau cáo buộc SAA tấn công hóa học kinh hoàng tại Douma, Mỹ dùng Tomahawk thị uy?

ANTD.VN - Một quả bom khí Clo được thả xuống một bệnh viện ở Douma, đây được coi là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mới nhất tại Syria, Mỹ cáo buộc chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm. Liệu một vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có diễn ra?

Cuộc chiến tại tử địa Đông Ghouta đột ngột căng thẳng khi một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vừa diễn ra vào hôm qua 7-4 tại thị trấn Douma, chiến tuyến cuối cùng của nhóm phiến quân tại đây.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin đang theo dõi sát sao vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma hôm 7-4 khiến ít nhất 150 người chết và hàng trăm người bị thương.

Được biết cuộc chiến bùng phát mạnh mẽ trở lại sau khi nhóm phiến quân đang trấn giữ tại Douma bác bỏ thỏa thuận rút quân trước đó.

Theo đó nhóm phiến quân Jaysh al-Islam tại Douma, Đông Ghouta, chỉ lợi dụng thỏa thuận để di chuyển những tay súng mất sức chiến đấu cùng gia đình về Idlib.

Trong khi lực lượng chủ đạo của chúng vẫn tử thủ không chịu đầu hàng.

Điều này buộc liên quân Nga-Syria phải mở cuộc tấn công mạnh mẽ vào khu vực này. Tuy nhiên tình tiết vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vẫn đang gây sốc cho giới quan sát.

Theo các thông tin bức ảnh từ nhóm tình nguyện cứu hộ của tổ chức Mũ bảo hiểm trắng đăng tải trên trang Twitter, hàng chục thi thể nằm trong tầng hầm một căn nhà và có thể còn nhiều hơn.

Trong khi đó, Tổ chức cứu trợ y tế Hiệp hội Y tế Mỹ (Sams) cho biết một quả bom khí clo đã đánh vào bệnh viện ở Douma, làm chết 6 người. 

Một cuộc tấn công khác tiến hành ngay sau đó nhằm vào một tòa nhà là quả bom chứa các "tác nhân hỗn hợp" bao gồm cả các chất độc thần kinh.

Basel Termanini, Phó Chủ tịch Sams cho hay, tổng số người chết trong vụ tấn công là 35. "Chúng tôi đang liên lạc với LHQ, chính phủ Mỹ và các chính phủ châu Âu" - ông nói.

Đài quan sát Syria về Nhân quyền thì cho hay 11 người đã chết và 70 người ở trong tình trạng khó thở tại Douma do bị ngạt khói từ vũ khí thông thường chứ không phải vũ khí hóa học. 

Họ cũng cáo buộc: Cuộc tấn công được tiến hành bởi quân đội Chính phủ Syria.

Nạn nhân trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trước đây tại Syria.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhắc lại các cuộc tấn công hóa học trước đây đã được cơ quan cáo buộc do Syria tiến hành ở thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh Idlib.

Đồng thời kết luận Chính phủ Syria và Nga - quốc gia đang hậu thuẫn cho Chính quyền của Tổng thống Bashar al- Assad sẽ phải chịu trách nhiệm trước "bất cứ cuộc tấn công nào".

"Lịch sử của chế độ Syria cho thấy họ từng sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng về việc nhằm mục tiêu tàn bạo vào vô số người Syria vô tội" - Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc.

Mỹ kêu gọi Nga chấm dứt "ngay lập tức" sự ủng hộ chính quyền Syria và "hợp tác với cộng đồng quốc tế để ngăn chặn các cuộc tấn công hóa học ở Syria".

"Chế độ Assad và những người ủng hộ nó phải chịu trách nhiệm trước bất cứ cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nào" - bà Nauert tuyên bố rõ.

Trung tâm truyền thông Ghouta của nhóm nổi dậy Jaish al-Islam thì khẳng định, hơn 1.000 người bị ảnh hưởng, 35 người chết bởi vụ tấn công hóa học hôm 7-4 khi một quả bom được thả xuống từ trực thăng có chứa khí độc thần kinh.

Theo mô tả của nhóm các chiến binh đối lập -Jaish al-Islam thì các lực lượng chính phủ Syria đã bắt đầu cuộc tấn công Douma vào ngày 6-4 sau khi một cuộc ngừng bắn kéo dài 10 ngày sụp đổ vì sự bất đồng trong việc sơ tán các chiến binh phe đối lập.

Phát ngôn viên của nhóm Jaish al-Islam là Hamza Bayraqdar nói với tờ The Associated Press bằng tin nhắn văn bản: "Người Nga đang yêu cầu các đòi hỏi quá đáng khi muốn chúng tôi đầu hàng và tự giao nộp mảnh đất của mình. Đây là điều chúng tôi dứt khoát từ chối".

Trong khi đó các phương tiện truyền thông của nhà nước Syria đã bác bỏ cáo buộc trên. Họ cho rằng chính nhóm phiến quân mới là tác giả của sự việc.

Phía Chính phủ Syria cho biết thêm, rất có thể nhóm phiến quân dàn dựng vụ việc để kêu gọi phương Tây vào cuộc và tấn công vào quân đội Syria.

SANA trích dẫn một nguồn tin chính thức nói rằng các phương tiện truyền thông của các chiến binh đang cố tạo các cuộc tấn công hóa học nhằm cản trở sự tiến quân của quân đội Ả-rập Syria trong lãnh thổ này

Khi chưa có báo cáo xác minh độc lập về vụ việc, Chính phủ Syria gọi các cáo buộc tấn công hóa học là "bịa đặt".

Trước đó quân đội Chính phủ Syria đã phát hiện ra nhà máy hóa chất bí mật được sử dụng bởi các chiến binh đối lập ở Đông Ghouta.

Nhà máy nằm ở thị trấn al-Shefounieh trong khu vực Douma. 

Trong số các hóa chất độc hại khác, clo được tìm thấy tại khu vực này, hãng tin SANA đưa tin, các bài báo của nhóm phiến binh Jaysh al-Islam cũng đã được phát hiện.

Hiện giới quan sát đang đổ dồn vào những tình tiết mới nhất trong cuộc chiến đang diễn ra tại Douma, Đông Ghouta.

Liệu Mỹ có dùng tên lửa Tomahawk để nhân sự kiện này tấn công vào quân đội của Tổng thống Assad?

Một chiếc máy bay của không quân Syria bị phá hủy hoàn toàn khi trúng tên lửa Tomahawk của Mỹ, sau khi Washington cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học.

Không rõ Nga sẽ có bước đi thế nào nhằm ngăn chặn sự việc có thể sẽ diễn ra. Một khi bị tấn công bằng tên lửa hành trình công nghệ cao Tomahawk, thiệt hại sẽ là rất lớn cho quân đội Syria.

Trước đây không lâu Nga đã từng cảnh báo có thể sẽ có một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào quân đội Syria nhằm cứu vãn các cánh quân đối lập.

Mỹ cũng có những động thái mạnh mẽ và tuyên bố có thể mở cuộc tấn công bất cứ lúc nào nhằm vào quân đội Syria.

Theo những thông tin tổng hợp cho biết, Mỹ đang có tới hơn 500 tên lửa hành trình Tomahawk nằm trên các chiến hạm Mỹ ngoài khơi Syria.

Đây được coi là mối đe dọa thường trực cho quân đội chính phủ của Tổng thống Assad.

Được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh", tên lửa hành trình Tomahawk được coi là loại vũ khí đánh phủ đầu mạnh nhất hiện nay của Mỹ.

Khoảnh khắc tên lửa hành trình Tomahawk bay lên từ bệ phóng Mk-41 trên các chiến hạm Mỹ.

Ngay sau khi rời khỏi ống phóng, tên lửa nhanh chóng tăng tốc và lao vút lên bầu trời.

Tomahawk là tên lửa có thể phóng từ chiến hạm mặt nước, tàu ngầm thậm chí từ máy bay ném bom chiến lược. Hình ảnh tên lửa Tomahawk được phóng lên từ tàu ngầm.

Hình ảnh động cơ của tên lửa hành trình Tomahawk.

Khoảnh khắc tên lửa chuẩn bị va chạm với mục tiêu.

Sức hủy diệt khủng khiếp từ loại tên lửa được biệt danh là "sứ giả chiến tranh của Mỹ"

Tiếng rít khi bay của loại tên lửa này đã trở thành nỗi ám ảnh của các lực lượng bị chúng tấn công.

GM-109 Tomahawk là loại tên lửa hành trình với nhiều biến thể, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đây được coi là tên lửa hành trình thành công nhất thế giới tính cho tới thời điểm hiện tại.

Tên lửa được bắn khỏi dàn phóng bằng một mô-đun sơ tốc có chứa thuốc phóng, sau khi đạt gia tốc cần thiết mô-đun sơ tốc bị tách bỏ, động cơ phản lực mini hoạt động và đẩy quả đạn theo hành trình của nó.

Các thiết bị chính bên trong bao gồm: hệ thống dẫn đường mô-đun tấn công hay thường gọi là đầu đạn (có nhiều loại theo từng phiên bản), hệ thống lái, khoang nhiên liệu và động cơ phản lực.

Tên lửa có trọng lượng 1,3 tấn, chiều dài 5,56m, sải cánh 2,6m, đường kính 0,52m.

Tầm bắn của tên lửa từ 1.300km tới 2.500km tùy từng biến thể.

Trong đợt tấn công lần trước, chiến hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk để tấn công vào quân đội Syria ngay trong đêm.

Sức mạnh công phá của tên lửa nằm ở đầu đạn 450kg. Ngoài ra tên lửa còn có thể mang bom chùm BLU-97/B.

Hay thậm chí mang đầu đạn đầu đạn hạt nhân W80 với đương lượng nổ 200kt.

Ngay sau khi rời bệ phóng, các chuyên gia vũ khí có thể điều khiển tên lửa thông qua hệ thống định vị toàn cầu. 

Trong trường hợp tự hành theo lịch trình được cài đặt sẵn, tên lửa Tomahawk vẫn nhận các tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh hoặc hệ thống do thám tối tân của Mỹ để dễ dàng bắn hạ mục tiêu mà không gặp phải bất kể sự cản trở nào của đối phương.

Dù tầm bắn lên tới 2.500 km và tốc độ 880 km/h, nhưng Tomahawk vẫn có thể thay đổi mục tiêu ngay khi đang di chuyển.

Cặp cánh dài độc đáo giúp Tomahawk linh hoạt trong quá trình bay. Không bay theo đường thẳng mà có khả năng di chuyển qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương giúp khả năng sống sót của Tomahawk rất cao.

Trên thực tế, phát hiện Tomahawk bằng radar hay các thiết bị quét hồng ngoại là việc rất khó. 

Thêm vào đó, hệ thống dẫn đường phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ khác nhau giúp Tomahawk trở nên chính xác vượt trội trong mọi điều kiện tác chiến.

Thậm chí, gần như chắc chắn Tomahawk biết nó đang bay ở địa hình nào, độ cao bao nhiêu với sai số 1m trên 1.000m đường bay. Tên lửa Tomahawk sử dụng cơ chế dẫn đường bằng GPS (từ TLAM Block III), TERCOM, DSMAC.

Không chỉ vậy, Tomahawk còn có thể đọc địa hình theo chiều thẳng đứng để so sánh với bản đồ số được nạp sẵn, giúp tên lửa di chuyển an toàn và chính xác hơn.

Cuối cùng, hệ thống so sánh điện tử với mắt thần giúp Tomahawk lao vào mục tiêu với sai số dưới 10m. Sau khi nạp sẵn dữ liệu mục tiêu, hệ thống điện tử của Tomahawk sẽ so sánh các bức ảnh mà mắt thần chụp lại để xác định mục tiêu.

Cuối cùng, Tomahawk sở hữu hệ thống định vị toàn cầu GPS, giúp xác định vị trí tên lửa và quỹ đạo bay. Bên cạnh đó, khả năng kết nối và cập nhật thông tin mục tiêu từ các thiết bị do thám khác giúp đảm bảo khả năng bắn hạ. Chính vì lẽ đó, Tomahawk có khả năng bắn lọt qua cửa sổ của căn nhà mục tiêu.

Tuy nhiên, do giá trị của mỗi tên lửa Tomahawk thường và Tomahawk chiến thuật lần lượt lên tới 569.000 USD (theo tỷ giá năm 1999) và 1,45 triệu USD (tỷ giá năm 2011) nên người ta phải chọn lựa mục tiêu rất kỹ càng trước khi bắn chúng.

Việc Mỹ vẫn duy trì một lượng rất lớn tên lửa Tomahawk tại Syria khiến Nga quan ngại sâu sắc.

Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov đã tuyên bố đanh thép, Moscow sẽ đáp trả thích đáng nếu tính mạng các binh lính Nga ở Syria bị đe dọa, gồm cả trường hợp xảy ra một vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Damascus.

Nga cũng vừa triển khai thêm hệ thống phòng không S-400 tới Syria trong bối cảnh căng thẳng đang ngày càng leo thang. Khi cần thiết hệ thống này sẽ đánh chặn các tên lửa Tomahawk của Mỹ.