[ẢNH] S-300PM Syria dễ dàng "vạch mặt" F-35I Adir khi có thêm khí tài đặc biệt

ANTD.VN - Trong cuộc tấn công hôm 25/12, Không quân Israel được xác nhận đã điều động các tiêm kích tàng hình F-35I Adir tham chiến.

Chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35I Adir của Không quân Israel được xác định đã tham chiến và ném tới 16 quả bom thông minh đường kính nhỏ GBU-39 SDB II vào các mục tiêu trên đất Syria.

Điều đáng lưu tâm ở đây đó là phòng không Syria hoàn toàn không nhận ra tốp F-35I bay vào rất gần để ném bom mà toàn bộ hỏa lực của họ đều dành cho tốp F-16I Sufa trên không phận Lebanon.

Điều đó cho thấy các đài radar thông thường của Syria đã bị F-35I "bịt mắt", nếu vậy họ sẽ cần được bổ sung các khí tài chuyên bắt máy bay tàng hình đó là các trạm radar thụ động như Kolchuga hoặc Vera.

Kolchuga là hệ thống trinh sát điện tử thụ động do Ukraine phát triển, nó có thể phát hiện các mục tiêu bay kể cả máy bay tàng hình từ khoảng cách 800 km ở mọi độ cao.

Mỗi hệ thống gồm 3 đài thu tín hiệu sóng điện từ có thể bố trí cách nhau 10 km, cùng 1 đài điều khiển trung tâm, nó sẽ phát hiện và bám sát các loại phương tiện bay bằng việc giao hội sóng điện từ giữa các trạm.

Kolchuga có thể cùng lúc bám sát tín hiệu của 32 mục tiêu với đủ 3 tham số (cự ly, góc tà và phương vị). Các đài thu và trạm điều khiển trung tâm đều đ­ược đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã KrAZ 6x6.

Kolchuga đủ khả năng phát hiện các loại chiến đấu cơ tàng hình hiện có hoặc sẽ được trang bị trong tương lai thông qua sóng vô tuyến và sóng radar phát ra từ máy bay hoặc nhờ sóng điện từ phát ra từ động cơ.

Theo tính toán, nếu được đặt ở độ cao 100 m so với mặt đất và mục tiêu bay ở độ cao 10 km thì Kolchuga có thể phát hiện từ cự ly 450 km, còn mục tiêu bay ở độ cao 20 km thì cự ly phát hiện đạt tới 620 km.

Trong khi đó Vera (Vera-E và Vera-NG) là loại radar thụ động do Cộng hòa Czech nghiên cứu và chế tạo, hoạt động trên nguyên lý không phát mà chỉ thu tín hiệu của sóng điện từ trong một môi trường không gian đồng nhất.

Loại radar thụ động này hoạt động tương tự hệ thống Kolchuga của Ukraine và là phiên bản cơ động, lắp đặt trên khung gầm xe của dòng radar thụ động Tamara thế hệ trước cũng của Cộng hòa Czech chế tạo.

Theo nhà sản xuất, khả năng của Vera-E tinh vi tới mức có thể phát hiện máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ từ khoảng cách 250 km, ở biến thể Vera-NG thì con số này còn tăng lên gấp bội.

Đối chiếu với Tamara - hệ thống radar thụ động đời trước, trong quá trình thử nghiệm đã phát hiện mục tiêu là tiêm kích F-16 ở cự ly 400 km, CF-18A là 355 km và F-15 là 365 km.

Nếu bố trí các trạm radar thụ động Vera-E phân tán xa nhau, máy tính trung tâm sẽ tổng hợp giao hội đồng thời mọi tín hiệu thu về theo phương pháp định vị “vi sai thời gian tới của tín hiệu” trên các tam giác, tứ giác (số lượng trạm), sẽ xác định được rất nhanh tọa độ mục tiêu. 

Tuy nhiên điều khó khăn đối với phòng không Syria hiện nay đó là chắc chắn Ukraine sẽ từ chối bán radar Kolchuga cho một đồng minh của Nga, còn Cộng hòa Czech cũng sẽ làm tương tự dưới sức ép của Mỹ.

Do vậy đối với Quân đội Syria vào lúc này, có lẽ giải pháp khả thi nhất là chờ Nga chế tạo được một hệ thống radar trinh sát thụ động tương tự Kolchuga và Vera.