[ẢNH] ‘Pháo đài bay’ Tu-22M3 Nga sẽ kìm chân Mỹ ở Trung Đông?

ANTD.VN - Dù ra đời từ thời Liên Xô, nhưng với những nâng cấp đáng giá, Tu-22M3 của Nga vẫn là cơn ác mộng cho mọi đối thủ. Với việc triển khai tới Syria, Nga đang gửi thông điệp mạnh mẽ tới các nhóm tàu sân bay Mỹ hoạt động xung quanh khu vực Trung Đông.
Hãng thông tấn Drive cho biết, một chiếc Tu-22M3 Backfire-C đã thực hiện chuyến bay kéo dài trên không phận căn cứ Latakia và dọc theo bờ biển Syria. Hãng thông tấn AVP cũng quay được đoạn clip ngắn về hoạt động của chiếc máy bay này.
Dù ngay sau đó Nga đã lên tiếng rằng, sự xuất hiện của những chiếc Tu-22M3 tại Syria chỉ nằm ở mục đích huấn luyện, nhưng giới phân tích quân sự lại cho rằng ẩn ý của Nga rõ ràng còn xa hơn thế.
Trong những lần trước đây, Tu-22M3 xuất hiện để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào các nhóm phiến quân. Tất cả các phi vụ đều được xuất kích từ các căn cứ tại Nga.
"Nhưng trong lần xuất hiện này, Tu-22M3 chỉ bay lượn trên không nhiều giờ và hạ cánh xuống căn cứ Không quân Hmeymim", Thomas Newdick dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết.

Trước đó vệ tinh quân sự Mỹ đã thu được hình ảnh cho thấy, Nga đã mở rộng và tăng chiều dài của đường băng của sân bay này.

Việc này chính là tiền đề cho sự hoạt động của dòng máy bay ném bom chiến lược tới Syria.
Việc Nga đưa Tu-22M3 tới Syria ngoài nhiệm vụ trợ giúp nước này đánh phiến quân, còn cho thấy ý nghĩa chiến lược với Không quân Nga tại khu vực Trung Đông vốn có vị thế địa chính trị quan trọng.
Trong cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria, Nga đều sử dụng tới bộ ba máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của mình là Tu-160, Tu-22M3, Tu-95MS. Tuy nhiên nổi bật hơn cả là vai trò chủ đạo của những chiếc Tu-22M3.
Trong chiến tranh lạnh Tu-22 là nỗi ám ảnh cho Mỹ và NATO. Sở hữu khả năng bay nhanh cùng kho tên lửa phòng phú, phiên bản phát triển mới nhất Tu-22M3 được coi là nỗi ác mộng cho các tàu sân bay.
Nhận thấy những tính năng tuyệt vời của loại máy bay này, Trung Quốc nhiều lần ngỏ ý muốn mua, tuy nhiên Nga đã lắc đầu từ chối.
Tu-22M3 có những thay đổi như cửa hút gió giống của MiG-25 và một mũi hếch đặt radar Leninets PN-AD.
Chiếc oanh tạc cơ này có kíp lái 4 người; chiều dài 41,46m; sải cánh 23,3m (cụp ở góc 65 độ), 34,28m (xòe ở góc 20 độ); chiều cao 11,05m.
Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực Klimov NK-25 lực đẩy 245,2 kN; cho tốc độ tối đa Mach 1,88; tầm bay 7.000 km; trần bay 13 km.
Khối lượng rỗng của Tu-22M3 là 58 tấn, khối lượng cất cánh tối đa lên tới 126,5 tấn.
Dù có kích thước nhỏ hơn Tu-160 và Tu-95, chiếc oanh tạc cơ này vẫn có thể chở theo gần 24 tấn vũ khí. Một trong vũ khí đặc biệt nhất của Tu-22M3 chính là tên lửa Kh-32.

Với tầm bắn 1.000km, tốc độ bay siêu vượt âm 5.000km/h, tên lửa hành trình Kh-32 kết hợp với máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 là bộ đôi có thể đánh bại lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO.

Kh-32 là một trong những biến thể hiện đại hóa của dòng tên lửa chống hạm tầm xa Kh-22 chuyên diệt tàu sân bay do Liên Xô phát triển trang bị trên các dòng máy bay ném bom chiến lược như Tu-22M và Tu-95.

Tàu sân bay Mỹ vẫn là nền tảng cho sức mạnh quân sự của nước này trong các cuộc viễn chinh, tại Trung Đông có thời điểm Mỹ đã điều tới 3 siêu tàu sân bay hạt nhân. Nhờ sở hữu loại vũ khí có thể đe dọa tàu sân bay, Nga sẽ khiến Mỹ phải cân nhắc quyết sách phù hợp tại các khu vực tranh chấp ảnh hưởng với Nga.

Trong quá khứ, hải quân Liên Xô từng có tới 10 trung đoàn Tu-22M. Mỗi trung đoàn có 20 chiếc Tu-22M với số lượng tên lửa Kh-22 được trang bị lên tới 60 quả. Đây được coi là nắm đấm thép của Liên Xô đối với các nhóm tàu sân bay của Mỹ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga thiếu nguồn kinh phí để duy trì phi đội máy bay này, cho tới những năm gần đây với sự hồi phục của kinh tế, Nga bắt đầu nâng cấp lên chuẩn Tu-22M3 trang bị tên lửa Kh-32.

Sự kết hợp giữa oanh tạc cơ Tu-22M3 và tên lửa Kh-32 sẽ mang lại sức mạnh gấp hai lần cặp Tu-22M và Kh-22.

Về cơ bản vai trò của Kh-32 trên Tu-22M3 cũng tương tự như đàn anh Kh-22 của mình nhưng nhiệm vụ của nó được mở rộng hơn khi có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau và đặc tính kỹ thuật cũng cao hơn.

Nga cho biết về cơ chế tấn công, sau khi Tu-22M3 bay lên tới tầng bình lưu, nó sẽ bay ngang, sau đó bất ngờ bổ nhào đến mục tiêu và phóng tên lửa Kh-32.

Kể từ khi Kh-32 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và radar, tính chính xác của loại tên lửa này đã ở vào thời kỳ đỉnh cao, không còn chỉ phụ thuộc vào dữ liệu GPS/GLONASS.

Tên lửa Kh-32 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 1.000 km, vận tốc 5.000 km/h.

Kh-32 có tốc độ bay nhanh, tính cơ động cao khiến các hệ thống phòng thủ và máy bay đối phương bất lực trước việc đánh chặn loại tên lửa này.

Bộ đôi máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 và tên lửa Kh-32 sẽ giúp Nga tiếp tục khẳng định sức mạnh không quân trong việc chống lại tàu sân bay cũng như các mục tiêu quan trọng của đối phương.