[ẢNH] Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hợp lực "xuyên thủng" vùng cấm bay Pháp thiết lập tại Syria?

ANTD.VN - Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) - cánh chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vừa qua đã đề nghị Pháp thiết lập vùng cấm bay tại Đông Bắc nước này nhằm bảo trợ họ trước các đợt tấn công từ Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria, Pháp đã cam kết với các đồng minh rằng họ sẽ vẫn ở lại để hỗ trợ những lực lượng này tiếp tục cuộc chiến chống IS.

Theo yêu cầu của các Lực lượng Dân chủ Syria, Pháp đang cân nhắc thiết lập vùng cấm bay tại khu vực Đông Bắc Syria nhằm bảo trợ đồng minh trước các đe dọa quân sự.

Sở dĩ Paris có thể phải sớm triển khai kế hoạch trên là do Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sắp mở chiến dịch quân sự tấn công vào các vị trí do những tay súng người Kurd kiểm soát.

Lực lượng vũ trang người Kurd là một thành tố quan trọng tạo nên SDF, nhưng Ankara lại coi đây là một tổ chức khủng bố, do Thổ Nhĩ Kỳ rất lo ngại phong trào ly khai của người Kurd trong nước sẽ trỗi dậy khi bên ngoài thành lập được quốc gia riêng.

Nếu Pháp quyết định thiết lập vùng cấm bay tại Đông Bắc Syria, họ có thể dựa vào tính năng vượt trội của các tiêm kích Rafale cũng như số lượng đáng kể máy bay đang có mặt trong các căn cứ quân sự lân cận, cùng với số triển khai từ tàu sân bay Charles de Gaulle.

Tính năng của chiếc Rafale được nhận định là đủ sức áp đảo hoàn toàn F-16 Block 52 của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi số lượng thì lại vượt trội Su-30SM cũng như Su-35S của Nga triển khai tại đây.

Về phía Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, nếu bị chiến đấu cơ Pháp ngăn cản thực hiện hành động quân sự tại Syria thì chắc chắn họ sẽ phải tìm cách xuyên thủng vùng cấm bay mà Paris có thể sớm thiết lập.

Tuy rằng có thể huy động số lượng lớn tiêm kích F-16 cũng như F-4, nhưng để tăng khả năng vô hiệu hóa vùng cấm bay của Pháp thì Ankara không thể đơn độc.

Đối tác mà Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến có lẽ chẳng phải ai khác mà chính là Không quân Nga, do về danh chính ngôn thuận thì Moskva mới là lực lượng duy nhất được hoạt động hợp pháp trên bầu trời Syria.

Moskva chắc chắn khó lòng chấp nhận việc hoạt động của họ trên lãnh thổ Syria lại phải tuân theo sự điều khiển của Pháp, nhưng Nga sẽ rất khó phản kháng khi lực lượng quá chênh lệch.

Tuy rằng tiêm kích Su-30SM hay Su-35S hoàn toàn đủ sức đấu tay đôi với Rafale, nhưng số lượng quá ít ỏi chỉ vài chiếc còn lại ở căn cứ Hmeimim sẽ khiến Nga phải lực bất tòng tâm.

Trong tình huống này, chất lượng tiêm kích Nga kết hợp cùng số lượng đông đảo chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là giải pháp khả thi nhất để xóa bỏ vùng cấm bay mà Paris thiết lập.

Về phía Pháp, nếu phải đối đầu với một lực lượng duy nhất thì họ còn có thể "chơi rắn", nhưng nếu như trước mặt là liên minh quân sự giữa hai cường quốc thì Paris sẽ phải nghĩ lại.

Thậm chí không loại trừ viễn cảnh Pháp sẽ phải hủy bỏ ngay ý định lập vùng cấm bay theo đề nghị của SDF sau khi nhìn thấy nguy cơ lớn vừa trình bày ở trên.

"Trò chơi" giữa các nước lớn tại Syria dự báo sẽ còn xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, cần theo dõi sát sao để có được cái nhìn chính xác nhất.