[ẢNH] Nga chê nhưng thực ra đang lo lắng trước phiên bản nhái RPG-7 Mỹ cấp cho Ukraine?

ANTD.VN - Chuyên gia Nga cho rằng súng chống tăng PSRL-1 là bản nhái từ mẫu RPG-7 nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn và có độ bền thấp. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, thực ra Nga vẫn có lý do để lo sợ loại vũ khí này, nhất là khi chúng được cấp cho Ukraine.

Có lẽ cái tên RPG-7 đã trở thành huyền thoại trong làng vũ khí chống tăng. Uy lực lớn, dễ sử dụng lại dễ sản xuất, đây được coi là loại vũ khí chống tăng tốt nhất xét trên tổng hòa các tiêu chí.

Dù ra đời rất lâu, nhưng RPG-7 và các biến thể cải tiến vẫn đáp ứng được trong yêu cầu tác chiến hiện đại. 

Ngay cả Mỹ cũng cho phát triển loại vũ khí này với tên gọi PSRL-1 để cung cấp cho đồng minh.

Không những kế thừa những ưu điểm từ phiên bản gốc RPG-7, PSRL-1 của Mỹ còn được thiết kế lại với nhiều cải tiến vượt trội.

Cụ thể thân súng được sử dụng vật liệu polymer cao phân tử giúp nhẹ hơn rất nhiều trong khi độ bền cơ học vẫn bảo đảm.

Trên thân súng được thiết kế các thanh ray picatinny để gắn phụ kiện chiến đấu cần thiết chẳng hạn như ống nhòm, báng...

Điều đặc biệt là súng PSRL-1 có thể tương thích với tất cả các loại đạn của RPG-7.

Thông số cơ bản: PSRL-1 có trọng lượng chỉ 6,35 kg và chiều dài tổng thể là 915mm.

Cận cảnh súng PSRL-1 được trang bị kính ngắm PSRL 3.5 X 24mm.

Hiện tại súng chống tăng PSRL-1 của Mỹ sản xuất chỉ dùng cho xuất khẩu, hoặc viện trợ cho các đồng minh vốn quen dùng những loại khí tài trước đây của Liên Xô.

Súng chống tăng PSRL-1 do Mỹ sản xuất bên trên và phiên bản RPG-7 do Nga sản xuất bên dưới.

Một số nguồn tin tiết lộ loại súng này ban đầu được thiết kế để dùng cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Sau đó nhận thấy tính năng tốt, dễ chế tạo, Mỹ mới tiến hành sản xuất loạt để cung cấp cho các đồng minh hoặc các lực lượng đặc nhiệm khác trên thế giới có nhu cầu.

Một số lực lượng đặc nhiệm các nước cũng đã mua phiên bản PSRL-1 của Mỹ và đưa vào trang bị.

Phong cách thiết kế tay cầm đậm chất Mỹ. Tay cầm này khá giống với tay cầm của súng trường tấn công M-16.

Việc Mỹ sản xuất PSRL-1 cho thấy PRG-7 xứng đáng là một loại vũ khí huyền thoại của Liên Xô. 

Tuy ra đời đã lâu, nhưng giá trị hiệu quả thực chiến vẫn còn nguyên tác dụng cho đến thời điểm hiện tại.

PSRL-1 đột ngột gây sự chú ý khi Ukraine mua loại súng này từ Mỹ. Nhiều nguồn tin giấu tên tiết lộ, Washington đã bán hàng ngàn khẩu súng này kèm theo số lượng lớn đạn cho Kiev.

Loại súng này sẽ trực tiếp gây thiệt hại cho dân quân miền Đông thân Nga và xa hơn có thể cho chính xe tăng Nga.

Nhưng ngay lập tức đại diện ngành quốc phòng Nga lên tiếng cho rằng: "Súng chống tăng PSRL-1 được Mỹ bán cho Ukraine là bản sao trái phép từ dòng RPG-7 của Nga và không đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất. Loại vũ khí này sẽ không thể hiện được toàn bộ tính năng như quảng cáo".

"Súng chống tăng Nga được thiết kế với tuổi thọ 1.000 phát bắn, có thể bắn tới hơn 1.300 phát trong thực tế trước khi hư hỏng. Độ bền của PSRL-1 là yếu tố đáng nghi vấn, nhất là khi nó được chế tạo từ vật liệu nhẹ", nguồn tin nói thêm.

Dù vậy không ít ý kiến phản bác quan điểm trên và cho rằng, súng PSRL-1 có thể mạnh hơn cả phiên bản gốc. Việc sử dụng polymer cao phân tử giúp súng nhẹ trong khi vẫn giữ được độ bền. Đây là xu hướng mới của thời đại, ngay cả chính Nga cũng đang áp dụng cho các dòng súng  mới của mình.  

Điểm yếu của RPG-7 chính là quá nặng khiến người lính nhanh mất sức khi cơ động trên chiến trường. Việc sử dụng Polymer cao phân tử đã giúp giải gỡ bài toán trên.

Nga cho rằng việc trang bị ray Picatinny trên súng RPG-7 chỉ mang tính chất giải trí, nhưng thực tế loại ray này lại phát huy nhiều công dụng trong chiến tranh hiện đại khi người lính có thể nhanh chóng gắn nhiều phụ kiện chiến đấu. Ngay cả Nga cũng bắt đầu đi theo thiết kế của phương Tây khi cho ray Picatinny trở thành tiêu chuẩn mới trong thiết kế vũ khí cầm tay.

Mặt khác nền công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng không phải hạng "làng nhàng" để cho ra đời những vũ khí kém chất lượng?

Ý kiến đánh giá đúng nhất về dòng súng chống tăng PSRL-1 chỉ có thể chính xác khi chúng thể hiện trên chiến trường mà thôi.