[ẢNH] Mỹ loại bỏ chiến hạm 360 triệu USD chỉ sau một lần làm nhiệm vụ

ANTD.VN -  Hải quân Mỹ quyết định loại biên chiến hạm tác chiến ven bờ USS Freedom trị giá 362 triệu USD sau 13 năm sử dụng, với chỉ một lần duy nhất ra khơi để làm nhiệm vụ.
Chiến hạm tác chiến ven bờ (LCS) sử dụng vật liệu nhẹ để giảm mớn nước, từ đó cho phép chúng hoạt động ở vùng biển nông gần bờ. Nhưng chính điều này khiến LCS dễ bị đe dọa bởi các hệ thống phòng thủ bờ của đối phương. Vì vậy những chiếc LCS đời đầu đã bị Mỹ loại biên sớm.
Lễ loại biên USS Freedom diễn ra tại căn cứ hải quân San Diego ở bang California hôm 29/9. Đây là tàu LCS thứ hai bị Mỹ loại biên, sau chiếc USS Independence được cho nghỉ hưu hồi cuối tháng 7. Hải quân Mỹ dự kiến loại biên thêm 4 tàu LCS nữa trước tháng 3/2022.
USS Freedom được biên chế tháng 11/2008. Trong suốt 13 năm vận hành, chiến hạm này chỉ được triển khai làm nhiệm vụ một lần, khi hỗ trợ lực lượng Tuần duyên chống buôn lậu ma túy ở Caribe và đông Thái Bình Dương.
Trong thời gian còn lại, USS Freedom chủ yếu phục vụ mục đích thử nghiệm và huấn luyện thủy thủ đoàn. Vào thời điểm loại biên, thủy thủ đoàn tàu USS Freedom có 9 sĩ quan và 41 thủy thủ, cao hơn 10 người so với thiết kế nguyên gốc.
USS Freedom và USS Independence được chế tạo với các tiêu chuẩn khác biệt với những chiến hạm LCS còn lại, khiến khả năng vận hành chiến đấu của chúng càng bị hạn chế.
Quan chức hải quân Mỹ tiết lộ phải mất 2,5 tỷ USD để chỉnh sửa 4 tàu LCS đầu tiên trong biên chế, bao gồm USS Freedom và USS Independence, để chúng đủ khả năng chiến đấu. Số tiền này tương đương đóng mới 4 tàu LCS.
USS Freedom có giá 362 triệu USD, nhưng chi phí vận hành lại lên tới hơn 70 triệu USD/năm, gần bằng mức 81 triệu USD của một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, trong khi tàu LCS có năng lực tác chiến thua kém rõ rệt.
Thiết kế nguyên gốc của lớp Freedom chỉ có thủy thủ đoàn chỉ 40 người, đây là một phần nguyên nhân khiến chi phí bảo dưỡng tăng cao, do các nhà thầu dân sự phải làm nhiều công việc hơn khi tàu lên ụ bảo dưỡng, thay vì những đầu việc mà thủy thủ có thể thực hiện trong quá trình làm nhiệm vụ.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2019 công bố báo cáo cho thấy hải quân Mỹ đã chi 30 tỷ USD cho chương trình LCS kể từ năm 2004.
Tính đến đầu năm 2021, mới chỉ có 21 tàu được đưa vào biên chế, chậm hơn nhiều so với kế hoạch 49 chiếc hoạt động trước năm 2020.
Chiến hạm lớp Freedom được xếp vào dòng chiến hạm tác chiến ven bờ (LCS) có khả năng tàng hình.
Tàu được thiết kế để đáp ứng khẩn cấp các nhiệm vụ hoạt động ở vùng nước nông chống lại mối đe dọa trên biển như tàu ngầm chạy động cơ diesel và các vụ khủng bố dùng tàu cao tốc.
Do là loại tàu chiến đấu ven bờ, USS Freedom được thiết kế với các đặc điểm: nhỏ, nhanh, linh hoạt; dựa trên các module có thể thay thế; chi phí hợp lý; đa nhiệm; có khả năng tàng hình; liên kết với hệ thống quản lý tác chiến thống nhất.
Điểm độc đáo của các tàu là không gian trống chiếm tới 40% diện tích, khi cần thiết sẽ nhanh chóng được bổ sung các module vũ khí phù hợp cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm, chống hạm hoặc phòng không.
Tàu được trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại bao gồm radar tìm kiếm mục tiêu TRS-3D được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động ở ven bờ.
USS Freedom còn có hệ thống dữ liệu chiến đấu COMBATSS-21, hệ thống chiến tranh điện tử Argon ST WBR-2000 và hệ thống mồi bẫy hồng ngoại Terma A/S SKWS.
Chiến hạm lớp Freedom được các bị các loại vũ khí hiện đại bao gồm pháo hạm Mk 110 57mm với tầm bắn 14km, tốc độ bắn 220 phát/phút.
Ngoài ra tàu còn có 2 pháo bắn nhanh Mk44 Bushmaster II cỡ 30mm, hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 có tầm bắn hiệu quả 9km.
Tàu có thể tác chiến linh hoạt với trực thăng đa năng MH-60 Seahawk và trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout để đối phó với tàu chiến của kẻ thù, nhờ hệ thống quản lý chiến đấu hiện đại.
Vấn đề lớn nhất với chương trình LCS là khái niệm tác chiến. Hải quân Mỹ đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để đóng tàu LCS nhưng lại không xác định rõ cách sử dụng chúng trong thực tế.