[ẢNH] Moskva cảnh báo hậu quả nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để bố trí gần Nga

ANTD.VN - Những đơn vị tác chiến của Quân đội Mỹ sau khi rút khỏi Afghanistan nhiều khả năng sẽ được tái bố trí ngay sát biên giới Nga, điều này khiến Moskva tỏ ra đặc biệt lo ngại.

Nga đã trực tiếp và công khai cảnh báo Mỹ về những hậu quả có thể xảy ra của việc rút quân khỏi Afghanistan sang các nước láng giềng. Chủ đề này đang được thảo luận giữa hai nước ở cấp cao nhất.

Thông tin nói trên đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga - ông Sergei Ryabkov cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Các vấn đề quốc tế.

Vị quan chức lưu ý rằng đối với Nga, việc chuyển quân Mỹ từ Afghanistan sang các nước láng giềng là không thể chấp nhận được. Ông lưu ý về việc đã truyền đạt quan điểm của mình không chỉ cho Washington mà còn cho các đồng minh của họ ở Trung Á.

"Điều này sẽ thay đổi rất nhiều, không chỉ trong nhận thức của chúng tôi về những gì đang xảy ra ở khu vực quan trọng nói trên, mà còn trong mối quan hệ giữa hai quốc gia Nga và Mỹ", Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh.

Ông Ryabkov nói thêm: "Moskva và Washington nên duy trì liên lạc chặt chẽ, thảo luận về chủ đề này ở tất cả các cấp, kể cả tại cuộc họp ở Geneva giữa hai tổng thống".

Có thể dễ dàng đoán rằng khi nói về các quốc gia tiếp giáp với Afghanistan, ông Ryabkov hầu như không muốn đề cập đến Iran, Pakistan hay Trung Quốc. Có vẻ như chúng ta đang nói về những nước cộng hòa Trung Á thời hậu Xô Viết.

Đương nhiên Moskva sẽ không hài lòng với việc triển khai Quân đội Mỹ ở đâu đó trên đất Tajikistan hoặc Uzbekistan, điều này tương đương với việc NATO có căn cứ quân sự ngay sát biên giới Nga.

Trong diễn biến khác, hãng thông tấn nhà nước Syria - SANA cho biết, một đoàn xe quân sự lớn của Mỹ đã tiến vào khu vực Đông Bắc nước này thông qua cửa khẩu biên giới Alwaleed giáp với Iraq.

Theo các nguồn tin từ thực địa, 37 phương tiện của Mỹ đã đến vùng nông thôn Tal Khamis ở tỉnh al Hasakah, trong số đó có cả những chiếc xe tải chở đầy vũ khí và đạn dược, cũng như trang thiết bị hậu cần.

Các nhân chứng còn thấy 3 rơ moóc được bọc thép và 8 rơ moóc có “thùng hàng lớn, chứa bên trong vật dụng hình thù khó xác định”, chúng được che chắn cẩn thận bằng vải dày để ngụy trang, cho nên không thể nhận dạng.

Đoàn xe đã tiến về vùng lãnh thổ do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thân Mỹ kiểm soát, bao gồm các đơn vị người Kurd, Ả Rập, Assyria và Thổ Nhĩ Kỳ (Turkoman). Đoàn vận tải trên được hộ tống bởi 7 xe bọc thép của Quân đội Mỹ và một nhóm tay súng SDF.

Quân đội Mỹ vẫn đang duy trì lực lượng khá lớn ở Đông Bắc Syria nhằm phục vụ toan tính của họ, cho nên những đoàn xe như vậy đã trở thành chuyện thường xuyên. Ví dụ vào ngày 7/7, tổng cộng 44 xe tải của Mỹ với nhiều tài sản khác nhau đã tiến vào Syria theo cách tương tự.

Còn theo hướng ngược lại, tức là từ Syria đến Iraq, dân địa phương thường thấy các đoàn xe chở dầu và xe chở lúa mì rời đi. Theo cáo buộc, Mỹ thực hiện hành động trên nhằm cung cấp tài chính cho "Chính phủ Tây Kurdistan" - một thực thể tự xưng khác ở Đông Bắc Syria.

Chính quyền Damascus liên tục cáo buộc Washington gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và yêu cầu lập tức rút quân khỏi nước này. Nhưng Mỹ từ chối yêu sách với lý do sự hiện diện của phiến quân IS ở Syria buộc họ phải duy trì lực lượng tới khi tiêu diệt hoàn toàn tổ chức khủng bố này.