[ẢNH] Mặc cho T-64 bị bắn cháy hàng loạt, Ukraine vẫn không tung T-84 vào tham chiến

ANTD.VN - Đã có khoảng 200 xe tăng T-64 bị mất trong cuộc chiến tại chiến trường miền Đông, tuy vậy quân đội Ukraine vẫn kiên quyết không cho dòng xe tăng mạnh mẽ nhất là T-84 vào tham chiến.
Quân đội Ukraine có trang bị xe tăng khá đa dạng, từ T-54/55, T-62. T-64, T-72, T-80 và mới nhất là T-84. Xe tăng T-84 Oplot được Ukraine phát triển dựa trên dòng xe tăng T-80U của Liên Xô, loại xe tăng này được đánh giá ngang ngửa, thậm chí hơn cả T-90 Nga ở một số thông số kỹ thuật.

Tuy nhiên có một điều lạ rằng, mặc dù xe tăng T-64 bị phá hủy hàng loạt tại chiến trường Đông Ukraine, nhưng Kiev vẫn không cho T-84 tham chiến.

Giới phân tích nhận định, các biến thể nâng cấp của T-64 và T-84 là hai loại mạnh nhất. Hiện tại T-64 là dòng xe tăng chính đang tham chiến tại miền Đông, và nó cũng chịu tổn thất cực lớn với khoảng 200 chiếc bị loại khỏi vòng chiến.

Nguyên nhân thứ nhất khiến cho T-84 không tham chiến chính là số lượng của chúng còn quá ít. Ngân sách eo hẹp là nguyên nhân chính khiến cho Ukraine không thể trang bị số lượng lớn, ước tính giá thành của T-84 vào khoảng 5-6 triệu USD/chiếc.
Tổng số xe tăng T-84 của quân đội Ukraine hiện có chỉ vào khoảng trên 10 chiếc. Dù nước này đã tăng các đơn hàng đặt mua, nhưng chúng ít có khả năng bổ sung số lượng lớn và tham chiến tại miền Đông.
Giới chức quân sự Ukraine cho rằng, đơn giá một chiếc T-84 mới có thể nâng cấp được 10 chiếc T-64. Trong bối cảnh cuộc chiến khốc liệt tại miền Đông, lục quân nước này cần có ngay một lượng xe tăng lớn để tham chiến.
Ukraine đang có hàng ngàn xe tăng T-64, vì vậy giải pháp nâng cấp chúng để tham chiến được cho là bài toán kinh tế có tính khả thi hơn việc mua số lượng ít ỏi T-84 và cho chúng tham chiến.
Lý do thứ hai khiến cho T-84 khó lòng tham chiến tại miền Đông là việc Ukraine muốn giữ danh tiếng cho loại xe tăng vốn đang được coi là "con gà đẻ trứng vàng" trên thị trường xuất khẩu này.
Nhiều khách hàng vẫn tin tưởng vào T-84 Ukraine hơn là T-90 Nga. Công bằng mà nói xe tăng do Ukraine phát triển vẫn có điểm mạnh riêng, đặc biệt là lĩnh vực động cơ và hệ thống điều khiển hỏa lực.
T-84 ở phiên bản mới nhất được trang bị động cơ 1.500 mã lực, trong khi đó T-90 mới chỉ được trang bị động cơ từ 900-1.100 mã lực.
Việc trang bị động cơ công suất lớn sẽ giúp xe tăng cơ động hơn trên chiến trường.
Tốc độ tối đa của T-84 là trên 70 km/h, tầm hoạt động khoảng 550 km. Xe có thể vượt hào rộng 2,85 m, vượt chướng ngại vật cao 1 m, lội nước sâu 5 m.
T-84 được trang bị hỏa lực pháo nòng trơn 125 mm KBA-3 tích hợp khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng, cơ số đạn 46 viên trong đó có 28 viên ở bộ nạp đạn tự động. Đi kèm 1 súng máy hạng nặng 12,7 mm được điều khiển từ bên trong xe và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.
Lớp bảo vệ của xe tăng T-84 Oplot bao gồm giáp phức hợp composite phía trong và giáp phản ứng nổ thế hệ 3 Nozh (tương tự Relikt) bao bọc bên ngoài.
Bên cạnh đó, xe còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Varta gồm 3 hệ thống con: bộ cảnh báo laser, bộ gây nhiễu hồng ngoại và thiết bị tạo khói, đi kèm thiết bị quan sát toàn cảnh với cảm biến nhiệt.
T-84 có trọng lượng 51 tấn, chiều cao 2,8 mét, trong khi T-90 chỉ 46 tấn và chiều cao chỉ ở mức 2,2 mét.

T-84 được trang bị hệ thống Zaslon bao gồm một radar phát hiện một "vật thể" bay đến và khai hỏa một đạn nổ về hướng viên đạn. Hệ thống Zaslon có thời gian phản ứng chỉ là 1 giây và có hiệu quả chống lại lựu đạn và, RPG và ATGM.

Với các thông số như vậy T-84 có thể coi là "hổ thép" trên chiến trường, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại không có bất cứ một xe tăng nào có khả năng bất bại trên chiến trường.
Với hỏa lực trang bị hiện đại của lực lượng dân quân miền Đông Ukraine, không lấy gì làm bảo đảm T-84 sẽ không bị bắn cháy như những chiếc T-64 nâng cấp.
Vì vậy, rất có thể nhằm bảo vệ danh tiếng của loại xe tăng này trên thị trường xuất khẩu nên quân đội Ukraine đã không cho chúng tham chiến.