[ẢNH] Lý do Mỹ bất ngờ điều hàng loạt 'pháo đài bay" B-52H áp sát biển Đông

ANTD.VN - Truyền thông Trung Quốc cho rằng, việc không quân Mỹ điều động hàng loạt oanh tạc cơ B-52 tới Biển Đông và đảo Okinawa của Nhật Bản tập trận là nhằm đáp trả trước cuộc diễn tập gần đây mà quân đội Trung Quốc tiến hành quanh khu vực đảo Đài Loan (TQ).

B-52H là một trong bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Mỹ bên cạnh B-1B và B-2. Đây được coi là một trong những loại máy bay ném bom mạnh nhất thế giới hiện nay.

Với những nâng cấp mới nhất cho phép máy bay ngoài mang bom thông thường và thông minh, B-52H còn có khả năng mang theo các tên lửa hành trình tấn công tầm xa và cả sử dụng trong nhiệm vụ tấn công hạt nhân đối phương.

Vì vậy bất cứ động thái điều chuyển loại máy bay này của không quân Mỹ đều nhận được sự chú ý của dư luận thế giới.

Theo thông báo vào ngày 27-4 của không quân Mỹ cho biết, các"pháo đài bay" B-52 đã khởi hành từ căn cứ không quân Andersen nằm trên đảo Guam để "lên đường tới khu vực biển Đông và biển Hoa Đông".

Các oanh tạc cơ B-52H tiến hành huấn luyện và sau đó tới đảo Okinawa để tiếp tục tham gia diễn tập với các tiêm kích F-15C Strike Eagles trước khi quay trở lại đảo Guam...

Sứ mệnh hiện diện liên tục của các máy bay ném bom B-52H là nhằm đảm bảo hoạt động sẵn sàng chiến đấu của hải quân Mỹ...

Hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ được triển khai từ tháng 3-2014

Cuộc diễn tập của các oanh tạc cơ B-52H được truyền thông Đài Loan (TQ) đăng tải trong tuần này gây sự chú ý của dư luận đặc biệt là truyền thông Trung Quốc.

Đây được xem là lời cảnh báo của Mỹ tới Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường sự hiện diện quân sự gần Đài Loan.

Khi được hỏi về sự hiện diện của các oanh tạc cơ Mỹ trên biển Đông, hôm 26-4, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho biết các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã nắm được tình hình này.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận nhằm cảnh báo và răn đe Đài Loan (TQ) về ý định giành độc lập cũng như tách khỏi đại lục. 

Thậm chí, không quân Trung Quốc đã cho các máy bay quân sự bay xung quanh đảo Đài Loan (TQ). Phía Trung Quốc gọi đây là "các cuộc tuần tra bao vây đảo".

Trong ngày hôm nay, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng nếu Mỹ triển khai B-52H tới Biển Đông tập trận là để cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan (TQ) thì hành động này đã không phát huy tác dụng.

"Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự với Đài Loan. Máy bay quân sự Trung Quốc sẽ bay ngày càng gần với đảo Đài Loan và cuối cùng là bay phía trên đảo Đài Loan...

...Nếu chính quyền Đài Loan cố tình theo đuổi chính sách ‘giành độc lập cho Đài Loan’ và cắt đứt mọi liên hệ chính thức với đại lục, Trung Quốc sẽ xem Đài Loan là thù địch và dùng mọi biện pháp để xử lý", Thời báo Hoàn Cầu viết.

Hiện nay, vấn đề Đài Loan (TQ) và biển Đông đang là hai chủ đề lớn gây tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh. 

Trong đó, Trung Quốc nhiều lần phản đối hoạt động tuần tra của Mỹ nhằm đảm bảo "tự do hàng hải" trên biển Đông, tuyến hàng hải được coi là nhộn nhịp thứ 2 thế giới.

Về phần mình, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang có những hành động đơn phương giành quyền bá chủ ở biển Đông cũng như biến vùng biển chiến lược này thành căn cứ quân sự. 

Chính vì vậy hoạt động điều máy bay ném bom chiến lược B-52H được cho là động thái cứng rắn cho thấy lập trường của Washington mong muốn biển Đông mãi là vùng biển tự do hàng hải quốc tế

Nhờ những nâng cấp liên tục cộng với chiến lược tác chiến mới, pháo đài bay B-52H (phiên bản mới nhất của máy bay B-52) đang trở thành vũ khí ném bom hiệu quả của không quân Mỹ.

Ra đời từ thập niên 1950 và có thời tung hoành trên bầu trời Việt Nam, tuy nhiên cũng tại đây pháo đài bay đã nhận cái kết kinh hoàng khi bị bắn rơi khá nhiều.

Nhưng từ những kinh nghiệm xương máu đó, người Mỹ đã thay đổi chiến thuật tác chiến cũng như nâng cấp hệ thống điện tử, khiến loại máy bay này vẫn trở nên đáng sợ trong chiến tranh hiện đại.

Thậm chí xét về hiệu năng và tính kinh tế, lão tướng B-52H còn trên cơ cả máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer.

Trong chiến tranh Việt Nam, B-52 thường phải đối chọi với hệ thống phòng không mà không có biện pháp bảo vệ hiệu quả.

Do kích thước to lớn, tốc độ bay chậm, B-52 dễ dàng trở thành mồi ngon của các hệ thống lửa đánh chặn của phòng không Việt Nam.

Ngoài ra các loại máy bay bảo vệ B-52 cũng chưa thực sự xuất sắc khi để đối phương len lỏi được vào đội hình, tiến đến gần B-52 để bắn phá.

Ngày nay, việc xuất hiện các máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa hành trình, cục diện tác chiến của không quân Mỹ đã đổi khác.

Mở đầu trận đánh là màn tấn công phủ đầu bằng các loại tên lửa hành trình Tomahawk vào các căn cứ phòng không của đối phương.

Tiếp đến là các máy bay tiêm kích tàng hình tràn tới tiêu diệt nốt các đài chỉ huy radar cũng như hệ thống phòng không còn sót lại.

Lúc này pháo đài bay B-52H mới xuất hiện để dội bão lửa lên đầu đối phương.

B-52H có thể ném bom rải thảm với tổng khối lượng bom lên tới 30 tấn, số bom này tạo ra những khu hủy diệt lớn.

Hình ảnh máy bay ném bom B-52H ném bom rải thảm.

Do các sân bay đối phương bị tên lửa hành trình tấn công khiến tiêm kích đánh chặn không thể cất cánh, mặt khác đội ngũ hộ tống bao gồm những chiếc tiêm kích cực mạnh có thể khống chế đối phương một cách hữu hiệu, tạo điều kiện cho B-52H ném bom.

Ngoài khối lượng bom khủng khiếp, B-52H còn được cải tiến nâng cấp để mang những tên lửa hành trình tầm xa tấn công.

Hình ảnh tên lửa hành trình được phóng đi từ máy bay ném bom B-52H.

Ngoài tên lửa Tomahawk máy bay ném bom B-52 có khả năng triển khai  tên lửa hành trình chiến lược tầm xa AGM-86C có tầm bắn 1.100km.

Tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom tiêu diệt mục tiêu.

Những tên lửa này được phóng từ khoảng cách rất cao và rất xa nên rất an toàn cho máy bay B-52H trước các hệ thống phòng không của đối phương.

Bởi vậy cho dù ra đời đã lâu, lại từng thảm bại trên bầu trời Việt Nam, nhưng nhờ những thay đổi trong chiến lược tác chiến và nâng cấp hệ thống điện tử vũ khí khiến cho B-52H vẫn là những vũ khí hiệu quả mà quân đội Mỹ ưa dùng.

Mang nhiều bom đạn hơn, chi phí vận hành rẻ hơn máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer nên B-52 vẫn được không quân Mỹ ưa chuộng nhất trong các cuộc xung đột gần đây khi mà đối phương có lực lượng phòng không kém hiệu quả.

Trong cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan, những pháo đài bay B-52H cất cánh từ sâu bên trong lãnh thổ Mỹ, bay tới vùng chiến sự cách xa hàng chục ngàn cây số để tấn công rồi lại bay trở lại Mỹ.

Có được điều này là nhờ máy bay được tiếp dầu trên không liên tục để có thể thực hiện nhiệm vụ ở khoảng cách không tưởng. Hình ảnh máy bay B-52H đang được tiếp dầu trên không.

B-52 được chế tạo với 8 phiên bản lần lượt ký hiệu từ A-H, tổng cộng có 744 chiếc được chế tạo. Việc chế tạo kết thúc vào năm 1962.

Ngày nay theo một thỏa thuận ký kết cắt giảm quân sự với Nga, Mỹ chỉ còn duy trì phi đội bao gồm 76 chiếc thuộc phiên bản B-52H.

B-52H có chiều dài 48,5, sải cánh 56,4m, chiều cao 12,4m. Máy bay được trang bị 8 động cơ TF33-P-3/103 có công suất 76kN mỗi động cơ cho phép bay với vận tốc 1.000km/h, trần bay 15km và tầm bay tới 7.200km.

Mỹ cho biết sẽ duy trì loại pháo đài bay này tới tận năm 2040, tức chúng sẽ có số năm phục vụ tới 88 năm trong biên chế, nhiều hơn bất kỳ loại máy bay nào khác của không quân Mỹ.