[ẢNH] Loại bỏ bom hạt nhân, B-52 vẫn giữ lại "cánh tay tử thần" AGM-86B

ANTD.VN - Dù loại bỏ bom hạt nhân, nhưng máy bay B-52H vẫn giữ lại dòng tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân AGM-86B. Đây được đánh giá là một trong những loại tên lửa hành trình không đối đất nguy hiểm nhất thế giới.

Hiện nay bom thông thường và tên lửa hành trình tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân được coi là loại vũ khí đáng sợ trang bị trên máy bay ném bom B-52H của Mỹ.

Dù Mỹ đã loại bỏ việc trang bị bom hạt nhân cho các pháo đài bay này, nhưng giới quan sát cho rằng chúng không hề làm suy giảm năng lực tác chiến của B-52H.

Sức mạnh trong việc ra đòn tấn công tầm xa đối với các quốc gia có năng lực phòng không cực mạnh, chính là tên lửa hành trình được B-52H tấn công ngoài tầm với của các tên lửa phòng không.

Hiện nay Mỹ vẫn đang trang bị cho B-52H loại tên lửa hành trình siêu xa AGM-86.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất AGM-86 được coi là tên lửa ngang tài ngang sức với Kh-101 của Nga. 

Dù không có tầm bắn xa như tên lửa Nga, nhưng bù lại AGM-86 sở hữu công nghệ ẩn mình trước radar đối phương khiến cho việc đánh chặn trở nên khó khăn. Mặt khác, độ chính xác từ tên lửa Mỹ cũng cao hơn nhiều so với đối thủ đến từ Nga.

Tên lửa AGM-86 Boeing là tên lửa hành trình tốc độ dưới âm được thiết kế để phóng từ không trung dùng cho Không quân Hoa Kỳ.

Chương trình phát triển AGM-86 được khởi động từ cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980. Trị giá mỗi quả tên lửa này rơi vào khoảng 160.000 đến 1.000.000 USD/quả tùy phiên bản.

Tên lửa AGM-86 được phát triển để tăng hiệu quả và sự sống sót của máy bay ném bom B-52H.

Tên lửa được đưa vào trang bị từ năm 1987, đưa nó trở thành vũ khí tấn công tầm xa mạnh nhất của Không quân Mỹ hiện nay.

Những tên lửa này có thể tấn công mục tiêu bên ngoài tầm với của các loại tên lửa phòng không hiện đại ngày nay, kể cả S-400 của Nga.

Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình cao nhằm tránh sự truy sát của các hệ thống phòng không.

AGM-86 được thiết kế với cánh ổn định và vây lái có thể gập lại để tiện cho việc lắp đặt bên trong khoang vũ khí.

Tên lửa có chiều dài 6,3 m, đường kính 0,62 m, sải cánh 3,3 m, trọng lượng 1,9 tấn.

AGM-86 được trang bị động cơ phản lực F107, tốc độ hành trình 800 km/h, phạm vi hoạt động 2.500 km.

AGM-86 được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính, định vị toàn cầu GPS, tính năng bay men theo địa hình TERCOM.

Tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ khoảng 3m ở cự ly 2.500 km. Như vậy độ sai số của tên lửa này còn nhỏ hơn cả tên lửa Kh-101 của Nga vốn dao động từ 5-10m.

Tên lửa được cấu hình để lắp trên máy bay ném bom chiến lược B-52H trong chương trình chuyển đổi vai trò của B-52 Stratofortress.

Những pháo đài bay B-52H đặc biệt được chuyển từ máy bay ném bom thông thường thành phương tiện mang vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không.

Mỗi máy bay B-52H có thể mang theo 20 tên lửa AGM-86. Đủ để tạo ra cơn bão lửa kinh hoàng cho đối phương. Nếu trang bị đầu đạn hạt nhân, số tên lửa này hoàn toàn có thể xóa bỏ một quốc gia nhỏ.

Tên lửa có thể mang theo 3 loại đầu đạn khác nhau nặng từ 450-800 kg, đủ khả năng hủy diệt mọi mục tiêu. Giới chuyên gia nhận định loại tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ cực lớn.

Tên lửa AGM-86 xung trận lần đầu trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991.

7 máy bay B-52 mang theo 39 tên lửa đã thực hiện đợt xuất kích dài nhất lịch sử quân sự với quãng đường lên đến 22.000 km. 35/39 tên lửa AGM-86 đã được phóng đi, tiêu diệt nhiều mục tiêu giá trị cao của Iraq.

Trong chiến dịch Tự do Iraq năm 2003, khoảng 100 tên lửa AGM-86 đã được phóng vào Iraq chỉ trong vài phút. Chúng kết hợp với hàng trăm tên lửa Tomahawk phóng đi từ các tàu chiến tạo nên một trong những đợt tập kích đường không khủng khiếp nhất lịch sử.

Tên lửa AGM-86 lắp trên B-52 là một giải pháp tấn công cực kỳ lợi hại. Nó cho phép Mỹ tiêu diệt những mục tiêu quan trọng mà đối phương gần như bất lực trong việc đáp trả.

Tuy vậy Mỹ lại quyết định loại biên tên lửa AGM-86 để thay thế bằng một loại tên lửa mới. Thế nhưng sau khi cân nhắc họ chỉ cắt giảm một số phiên bản AGM-86.

Cụ thể, phiên bản AGM-86 C và D đã được không quân Mỹ cho về hưu, phiên bản AGM-86B hiện đại và có tầm bắn xa và cũng đắt nhất sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng.