[ẢNH] Kinh nghiệm Israel giúp Nga giải quyết tận gốc vấn đề thiếu nước tại Crimea

ANTD.VN - Học tập cách làm đầy khoa học của Israel có thể giúp Nga giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu nước ngọt trên bán đảo Crimea.

Israel là quốc gia có khí hậu khô nóng, thiếu nước ngọt và thừa nước mặn, xung quang là láng giềng thù địch tương tự bán đảo Crimea, nhưng Tel Aviv đã giải quyết vấn đề cấp nước rất thành công và xứng đáng để Nga học tập.

Bài học đầu tiên chính là tiết kiệm, người Israel đang quy hoạch mạng lưới cấp nước của mình theo cách rất khoa học, chú trọng sử dụng hợp lý, thậm chí xử lý cả nước thải để tái sử dụng.

Nguồn nước trên có lẽ không ai dám uống kể cả khi đang ở giữa sa mạc, tuy nhiên dùng để tưới cây, dùng trong công nghiệp hoặc để vệ sinh thì lại khá phù hợp. Kinh nghiệm "sản xuất không chất thải" của Israe nên được ứng dụng tại Nga.

Vấn đề thất thoát nước tại bán đảo Crimea nói riêng và trên toàn nước Nga là khá nghiêm trọng. Lý do nằm ở cơ sở hạ tầng đường ống xuống cấp, dẫn đến phí phạm và cần sửa chữa lớn.

Một trong những ví dụ sinh động nhất về tiết kiệm nguồn nước nằm ở “Mạng lưới dẫn nước chung cho toàn Israel”. Đây là một hệ thống khổng lồ gồm hơn 2.000 hồ chứa lớn nhỏ, kênh đào, trạm bơm và bể chứa…

Sự sáng tạo của Israel giúp họ điều tiết nước trên toàn bộ quốc gia, từ Hồ Kinneret ở phía Bắc đến sa mạc Negev ở phía Nam. Tuyến ống khổng lồ đã giúp các trang trại mọc lên ngay cả ở những vùng khô hạn nhất của Israel.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất tất cả các hồ chứa thành một mạng lưới duy nhất giúp cho thể tích của chúng đạt được sự cân bằng tối ưu, hạn chế sự bay hơi lãng phí.

Đối với Crimea, đây có thể là một kinh nghiệm rất quý giá. Chỉ có 26 hồ chứa trên bán đảo và chính quyền khu vực đã công bố kế hoạch xây dựng thêm 2 hồ mới, được thiết kế để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho Simferopol và Sevastopol không bị gián đoạn.

Người đứng đầu chính quyền Crimea - ông Sergei Aksenov cho biết: "Nhiều khả năng các hồ chứa bổ sung sẽ được xây dựng ở Simferopol với dung tích 15 triệu m3 và ở Alushta vào khoảng 8 triệu m3".

Cần nhắc lại tháng vào 7 năm ngoái, Crimea đã thực sự chìm trong những cơn mưa xối xả như thế nào. Các hồ chứa nửa khô nhanh chóng đầy nước, khiến nhiều người nghĩ rằng “cơn khát” đã chấm dứt, nhưng sau đó chúng lại nhanh chóng cạn kiệt.

Khoảng 80% lượng nước đã chảy ra biển một cách đơn giản. Nếu các hồ chứa ở Crimea được kết nối trong một mạng lưới duy nhất, có thể tránh lãng phí như vậy bằng cách chuyển nước mưa dư thừa đến các khu vực khô hơn.

Ý tưởng về việc nối tất cả các hồ chứa trên bán đảo thành một ống dẫn nước lớn theo kinh nghiệm Israel đã được đề cập và rất đáng để nghiên cứu một cách nghiêm túc nhằm sớm triển khai trên thực địa.

Tiếp theo, Israel là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ khử mặn nước biển. Thẩm thấu ngược (lọc cơ học) và thu hồi năng lượng được sử dụng trong quá trình biến nước biển thành nước ngọt.

Các kỹ sư Israel đã cố gắng giảm chi phí sản xuất và đạt được thành tựu đáng kể: nếu ban đầu sản xuất 1 m3 nước tinh khiết tiêu tốn 2 USD thì bây giờ giá thành đã giảm xuống còn 0,5 USD.

Crimea lẽ ra đã thoát tình trạng thiếu nước nếu các nhà máy như vậy được xây dựng trong 7 năm qua. Tuy nhiên nhà chức trách đã trì hoãn giải pháp cho vấn đề này, coi phương án trên là cực đoan bởi vì chi phí cao cho từng m3 nước.

Ngoài ra quá trình khử muối trên thực tế rất khó kiểm soát, chi phí của một nhà máy ước tính khoảng 3,3 tỷ Ruble, do vậy bản kế hoạch vẫn bị đắn đo.

Các chuyên gia dự đoán 1 m3 nước khử muối sẽ có giá tương đương 0,5 USD, nhưng người dân vẫn yêu cầu được trả giá rẻ hơn nhiều. Do vậy ngân sách liên bang sẽ phải trợ cấp đáng kể.

Cuối cùng là một cách giải quyết vấn đề nước rất "cực đoan". Việc xây dựng một đường ống dẫn nước toàn Israel đề cập ở trên đã gây ra sự giận dữ có cơ sở giữa các nước láng giềng.

Nhà nước Do Thái bắt đầu tích cực bơm nước từ Hồ Kinneret và sông Jordan cho nhu cầu riêng của mình, để đáp lại Liên đoàn Ả Rập quyết định xây dựng kênh chuyển hướng ở Syria và chia sẻ nước giữa Syria và Jordan.

Điều ​​này đã dẫn đến "cuộc chiến tranh giành nguồn nước" giữa Tel Aviv và Damascus, kết thúc bằng việc Israel chiếm đóng và sáp nhập Cao nguyên Golan sau Chiến tranh Sáu ngày.

Đối với Nga, đã có ý tưởng về việc chặn dòng sông Dnepr bằng cách xây dựng một con đập tại vùng Smolensk, tuy nhiên kế hoạch trên bị cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả Belarus nên chắc chắn sẽ không thể tiến hành.

Nhìn chung Israel có nhiều kinh nghiệm đáng để Nga phải học tập, nhưng cần nghiên cứu thật chi tiết để xác định điều gì hợp lý nhất đối với Moskva.