[ẢNH] Không quân Mỹ bất ngờ vùng tiền mua tiêm kích cũ từ thời Chiến tranh Việt Nam

ANTD.VN -  Mỹ đã duyệt chi 39,7 triệu USD mua chiến đấu cơ cũ F-5E từ Thụy Sĩ, một số ý kiến cho rằng phải chăng không quân Mỹ đã đến thời suy kiệt, hay họ còn lý do khác để mua những tiêm kích từ thời Chiến tranh Việt Nam này?

ện Bê

Không quân Mỹ (USAF) - lực lương quân sự trên không mạnh nhất thế giới kể từ sau Thế chiến thứ II, bất cứ hành động nào của lực lượng này đều nhận được sự quan tâm của các quốc gia lẫn giới truyền thông thế giới.

Mới đây Mỹ đã duyệt chi 39,7 triệu USD mua chiến đấu cơ F-5E vốn được nước này bán cho không quân Thụy Sĩ từ năm 1978.

Việc phải bỏ tiền mua chiến đấu cơ hạng nhẹ cũ từ thời Chiến tranh Việt Nam khiến một số ý kiến cho rằng phải chăng Không quân Mỹ đã bắt đầu suy yếu?

Tuy vậy có ý kiến cho lại cho rằng, việc mua chiến đấu cơ F-5E tiếp tục cho thấy sức mạnh và tiềm lực ngân sách dồi dào của không quân Mỹ.
Cụ thể giới phân tích chỉ ra rằng, thực tế Không quân Mỹ bỏ tiền ra mua chiến đấu cơ F-5E cũ từ Thụy Sĩ nhằm đóng vai trò 'quân xanh' cho phi công tập luyện.

Hiện nay chỉ duy nhất chỉ có Không quân Mỹ là sở hữu đội ngũ 'quân xanh' lớn nhất thế giới với nhiều chủng loại, trong đó có cả chiến đấu cơ MiG-21, MiG-29 và thậm chí cả Su-27 do Liên Xô sản xuất.

Bên cạnh đó một lượng lớn các chiến đấu cơ F-16, F/A-18 thường được sơn màu giống với chiến đấu cơ của Nga, Trung Quốc, Iran để dùng làm 'quân xanh' cho phi công luyện tập.
Có ý kiến cho rằng, Mỹ đang có tới vài ngàn chiến đấu cơ loại biên, trong đó có hàng ngàn chiếc F-15, F-16, F/A-18, tại sao không lấy đó đóng vai 'quân xanh' mà phải tìm mua chiến đấu cơ hạng nhẹ F-5E từ Thụy Sĩ?
Thực ra Mỹ không thiếu chiến đấu cơ để đóng vai trò 'quân xanh' cho không quân luyện tập, tuy vậy giới chức USAF vẫn muốn có những chiến đấu cơ tương đồng với đối thủ nhất để huấn luyện kỹ năng cho phi công.

Hiện nay Trung Quốc nổi lên là đối thủ đáng gờm bên cạnh Nga, do tiềm lực kỹ thuật vẫn còn hạn chế nên họ thường phải sử dụng chiến đấu cơ hạng nhẹ.

Trong số này vẫn còn tới hàng ngàn chiếc tiêm kích J-7G (phiên bản sao chép từ MiG-21 Bis, đối thủ tương đồng với F-5E). Dòng tiêm kích này vẫn sẽ hoạt động trong không quân Trung Quốc ít nhất trong vài năm nữa.

Trung Quốc cũng dự định sẽ biến hàng ngàn chiếc tiêm kích J-7G thành UAV chiến đấu sau khi chúng loại biên. Việc huấn luyện phi công đối phó với dòng máy bay này là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Bên cạnh đó dòng chiến đấu cơ F-17 Thundern được Trung Quốc hợp tác với Pakistan phát triển từ máy bay J-7G cũng có kích thước và tính năng chiến đấu khá tương đồng với F-5E.

Vì vậy cho các phi công Mỹ không chiến tập luyện với mục tiêu là những chiếc F-5E, sẽ giúp họ tự tin hơn khi đối đầu với F-17 Thunder trong trường hợp nổ ra xung đột.
F-5E Tiger II là đối thủ của tiêm kích MiG-21Bis (biến thể nâng cấp của MiG-21), loại tiêm kích hạng nhẹ này của Mỹ này được chính các chuyên gia Liên xô đánh giá cao khi nhận được một số chiếc từ Việt Nam chuyển giao sau chiến tranh.
Đại tá Vladimir Kandaurov, một trong ba phi công thử nghiệm lái chiếc F-5E khi vừa tiếp xúc với máy bay đã cực kỳ ấn tượng với thiết kế buồng lái của chiến đấu cơ này.
Vị phi công Liên Xô này đánh giá nó tốt ở khả năng thân thiện với phi công, có cả bàn đạp phanh, trong khi máy bay Liên Xô lại không có tiện ích này lúc đó.
Chuyên gia Liên Xô qua nghiên cứu thử nghiệm cũng đánh giá rằng, trong cận chiến quần vòng, F-5E Tiger II giành được nhiều thắng lợi hơn trước MiG-21Bis bởi sự cơ động dễ dàng của một máy bay nhỏ nhẹ, với thiết kế khí động học tốt, hệ thống điều khiển ngắm bắn hiệu quả
F-5E có phi hành đoàn một người, chiều dài của máy bay là 14,4m, sải cánh 8,13m, chiều cao 4,08m.
Trọng lượng rỗng 4.349kg, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 11.187kg. Máy bay được trang bị hai động cơ J85-GE-21B có lực đẩy khô 15,5kN, khi đốt tăng lực lần hai là 22,2kN.
Với hai động cơ này giúp F-5E đạt tốc độ bay 1.700km/h, tầm bay 3.720km, bán kính chiến đấu 1.405km.
Tổng số vũ khí mang theo của F-5E lên tới 3.200kg trong đó chúng có thể triển khai tên lửa không đối không, rocket và các loại bom nhỏ.
Những loại tên lửa F-5E có thể mang bao gồm 4 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 hoặc tầm xa AIM-120; 2 tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick.
Bên cạnh đó chúng có thể mang theo 2 bệ phóng rocket LAU-61/68 với 19 đạn hoặc 2 bệ phóng LAU-5003 với 19 đạn hoặc 2 LAU-10 với 4 đạn 127mm hoặc 2 Matra với 18 đạn 68mm; hoặc nó có thể mang bom không điều khiển Mk80 series, bom chùm CBU, bom napan
Với hỏa lực cùng sự cơ động cao, tiêm kích F-5E được các chuyên gia Liên Xô đánh giá trong một số tình huống chiến đấu, loại máy bay này còn có sức chiến đấu nhỉnh hơn MiG-21Bis và cả MiG-23 sau này.
F-5 và F-5E chỉ được phát triển và xuất khẩu cho đồng minh với số lượng lên tới khoảng 1.400 chiếc, chúng không được sử dụng bởi không quân Mỹ lúc đó vốn ưa thích dòng tiêm kích hạng nặng F-4.
Ngày nay, vẫn có hàng trăm chiếc F-5E đang hoạt động trong không quân nhiều nước trên thế giới. Iran thậm chí đã sao chép thành công chiến đấu cơ F-5E này và đặt tên là Kosar.

Trên cơ sở F-5, Mỹ đã phát triển thành công dòng máy bay huấn luyện siêu thanh đầu tiên trên thế giới với định danh T-38. Hiện Mỹ vẫn đang biên chế số lượng lớn dòng máy bay huấn luyện siêu thanh này.