[Ảnh] Khẩu tiểu liên gắn bó với Anh hùng đặc công rừng Sác Lê Bá Ước suốt 42 năm

ANTD.VN - Cùng với khẩu tiểu liên K61 và 100 viên đạn được chỉ huy tặng, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước) tiếp tục chỉ huy những người lính đặc công rừng Sác lập nên những chiến công hiển hách. Khẩu súng đã đi cùng ông nhiều năm tháng mãi về sau.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Sác (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) nằm ngay vùng ven Sài Gòn, là nơi khắc ghi dấu ấn của Đoàn 10 đặc công rừng Sác với những chiến công hiển hách.

Trải qua 9 năm (từ năm 1966-1975), Đoàn 10 đặc công rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch.

Nhưng trên hết, các chiến sỹ đặc công đã chia cắt thành công nguồn cung ứng của Mỹ cho Sài Gòn

Bằng lối đánh “xuất quỷ, nhập thần", cực kỳ bất ngờ và táo bạo, Đoàn 10 đã nhiều lần chia cắt tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí của Mỹ cấp cho chính quyền ngụy ở Sài Gòn.

Đóng góp vào chiến công chung của Đoàn 10 có Đại tá Lê Bá Ước (Bảy Ước) sinh ngày 12/4/1931 trong một gia đình và làng quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng ở xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, tham gia Vệ Quốc đoàn, Ban Tình báo C70. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1965, ông vượt Trường Sơn trở về miền Nam chiến đấu, công tác cho đến lúc nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Trên tay ông là khẩu súng tiểu liên có số đăng ký BTĐC: 763-K3-163 được Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam tặng trong dịp ông về dự hội nghị tại căn cứ cách mạng của Trung ương cục miền Nam và nhận nhiệm vụ trở về làm Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Rừng Sác lần 2 năm 1971.

Khẩu tiểu liên huyền thoại này chính là khẩu Skorpion (Bọ cạp) vz.61 do Tiệp Khắc sản xuất, tên tiếng Việt là K61.

Có thể nói súng tiểu liên K61 cực kỳ phù hợp với lối tác chiến "luồn sâu, đánh hiểm" của lực lượng đặc công Việt Nam nói chung và đặc công rừng Sác nói riêng

Đại tá Lê Bá Ước tham gia chỉ huy nhiều trận như: đánh kho bom Thành Tuy Hạ (12/1972), đốt cháy kho xăng Nhà bè (12/1973), đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy…

Báo chí khi đó loan tin cháy kho xăng Nhà Bè

Cho đến năm 2013, khi Đại tá Lê Bá Ước đã 82 tuổi, khẩu súng K61 vẫn gắn bó với người lính đặc công, tính ra suốt hơn 4 thập kỉ.
Ngày 9/9/2013, ông đã tặng lại khẩu súng cùng 30 viên đạn lại cho bảo tàng làm hiện vật lịch sử .
Về khẩu súng tiểu liên K61: Škorpion vz. 61 là loại súng do Miroslav Rybář thiết kế vào cuối những năm 1950 tại Tiệp Khắc.
Súng được phát triển với mục đích trang bị một loại vũ khí dù uy lực hơn hẳn súng ngắn nhưng nhỏ gọn, biên chế cho các đơn vị đặc biệt của quân đội.
Mẫu thử nghiệm đầu tiên hoàn thành năm 1959, nó được thông qua và chế tạo hàng loạt từ năm 1961.
Rất nhanh sau đó, súng được sử dụng trong nhiều đơn vị quân đội Tiệp Khắc, đồng thời xuất khẩu với số lượng lớn.
Nhiều lực lượng đặc nhiệm thích dùng loại súng này do nó sử dụng loại đạn 7.65×17mm Browning (.32 ACP), có thể lắp ống giảm thanh khi bắn, không gây ồn ào.
Kích thước gọn gàng, trọng lượng nhẹ, uy lực tốt là ưu điểm của khẩu súng này.
Với những binh lính có cơ tay khỏe, hoàn toàn có thể khai hỏa chỉ với một tay.
Súng có trọng lượng chỉ từ 1,3kg đến 1,44kg, tuỳ phiên bản
Súng cực kỳ gọn gàng với độ dài 517 mm báng mở / 270 mm báng gấp
Súng có tốc độ bắn tối đa 900 viên/phút, sơ tốc 320m/s. Tầm bắn hiệu quả chỉ từ 50-150m.
Hộp tiếp đạn rời, cơ cấu 10-20 viên. Súng nhỏ đến mức có bao da để đeo như súng ngắn.
Vs.61 (K61) có khóa an toàn, và hai chế độ bắn: phát một hoặc tự động. Độ giật của súng không quá mạnh.
Chốt lên đạn nằm ở hai bên thân súng. Hộp đạn của súng thiết kế hai hàng với nhiều mẫu chiều dài khác nhau.
Khi quân đội Tiệp Khắc thông qua việc sử dụng loại đạn 9×18mm Makarov của Liên Xô năm 1982 thì loại súng này đã được thiết kế lại một chút cho phù hợp.
Mẫu xuất khẩu của loại súng này thì sử dụng loại đạn 9×17mm (.380 ACP) thông dụng của phương Tây.
Kết cấu tối giản của tiểu liên Vz.61 cũng khiến nó dễ bảo dưỡng, sửa chữa đặc biệt trong điều kiện rừng ngập nước, đầm lầy
Các lực lượng đặc biệt rất thích khẩu súng này, do nó nhẹ chỉ bằng 1/3 súng tiểu liên thông thường.
Tất nhiên là uy lực của khẩu súng chỉ còn bằng khoảng 60-70% so với các loại tiểu liên cơ bản, tuy nhiên vẫn đủ dùng trong những pha cận chiến.
Dù tầm bắn hiệu quả chỉ nhỉnh hơn súng lục, song với khả năng bắn liên thanh kèm băng đạn 20 viên cũng đủ để các lực lượng đặc biệt ngày trước tung ra đòn áp chế đối phương
Một khẩu Vz.61 (K61) "nguyên đai, nguyên kiện"
Nam Tư (sau này là Serbia) hiện đang giữ bản quyền chế tạo loại súng này.