[ẢNH] Hồi sinh Yak-141 cho tàu bổ bộ Dự án 23900 sẽ xóa bỏ hạn chế của Hải quân Nga

ANTD.VN - Thay vì cố gắng đại tu tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, Nga có lẽ nên tập trung vào tàu đổ bộ tấn công kiêm hàng không mẫu hạm nhẹ thuộc Dự án 23900.

Hiện nay việc đại tu tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga - chiếc Đô đốc Kuznetsov vẫn diễn ra rất chậm chạp và chưa ấn định ngày hoàn thành, dẫn tới một số ý kiến cho rằng nên mạnh dạn loại biên con tàu quá cũ nát trên.

Trong khi chật vật với chiếc Đô đốc Kuznetsov thì Hải quân Nga lại đang khá thành công với chương trình đóng tàu đổ bộ tấn công Dự án 23900, phương tiện được cho là sẽ thay thế những chiếc Mistral bị Pháp hủy hợp đồng và không bàn giao.

Ngoài chức năng chính, tàu đổ bộ Dự án 23900 còn có khả năng đảm nhiệm vai trò tàu sân bay trực thăng, thậm chí cả hàng không mẫu hạm nhẹ nếu được trang bị một loại chiến đấu cơ có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Trước thực tế trên, một số chuyên gia quân sự Nga đã nêu ý kiến cần phải khẩn trương loại biên Đô đốc Kuznetsov và bổ sung chức năng hàng không mẫu hạm cho tàu đổ bộ cỡ lớn Dự án 23900, khi đó mọi hạn chế của Hải quân Nga sẽ được xóa bỏ.

Hạm đội Nga rõ ràng cần một tàu sân bay để tung sức mạnh của mình ra những vùng biển xa, con tàu sẽ đảm nhiệm vai trò phòng không và chống ngầm, thậm chí tấn công mặt nước với sức mạnh mà không chiến hạm nào mang tên lửa Kalibr có thể sánh nổi.

Nếu đề xuất trên được thông qua, chiếc tiêm kích hạm có triển vọng nhất theo đánh giá chính là bản thiết kế Yak-141 còn dở dang từ thời Liên Xô, khi được hoàn thiện, nó sẽ giúp tàu đổ bộ Dự án 23900 thành tàu sân bay hạng nhẹ đích thực.

Yak-141 là loại tiêm kích hạm siêu âm có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Máy bay đảm nhận được vai trò chiến đấu tầm gần, đánh chặn các mục tiêu trên không, hoặc tấn công mục tiêu mặt đất, mặt nước.

Liên Xô bắt tay chế tạo Yak-141 từ giữa những năm 1970, mẫu thử đầu tiên do Phòng Thiết kế Yakovlev chế tạo vào năm 1986. Theo kế hoạch, Yak-141 sẽ nằm trong thành phần chiến đấu của các cụm tàu sân bay Baku, Tbilisi, Riga và cả Ulyanovsk.

Yak-141 được chế tạo với 26% titan để đảm bảo chịu được sức nóng của động cơ khi hạ cánh, còn lại là vật liệu tổng hợp. Máy bay lắp 2 động cơ phản lực phụ RKBM RD-41 ở dưới thân, động cơ chính MNPK Soyuz R-79V-300 đặt ở vị trí giữa 2 cánh đuôi.

Để cất cánh, vòi phun động cơ R-79V-300 sẽ xoay tạo góc 90 độ với mặt đất cùng với 2 động cơ nâng đưa máy bay cất cánh. Khi đạt độ cao ổn định, động cơ chính sẽ xoay lại theo hướng ngang giúp chiếc tiêm kích tiến về phía trước.

Theo thiết kế, Yak-141 có khả năng đạt vận tốc tối đa Mach 1,7. Nếu làm được điều này, nó trở thành mẫu tiêm kích STOVL siêu âm đầu tiên trên thế giới.

Năm 1987, Yak-141 lần đầu cất hạ cánh thành công theo phương pháp truyền thống trên đường băng. Những năm tiếp theo, nó nhiều lần thực hiện thao tác cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng.

Mặc dù vậy vào ngày 26/9/1991 một sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi mẫu thử Yak-141 số hiệu 48-2 gặp nạn lúc hạ cánh. Rất may phi công thoát hiểm an toàn, máy bay chỉ bị hư hỏng nhẹ và được khôi phục lại sau đó.

Đáng tiếc là Yak-141 được phát triển và thử nghiệm đúng vào những năm tháng cuối cùng của Liên bang Xô Viết. Không lâu sau chuyến bay thử, Hải quân Liên Xô ngừng cấp kinh phí cho chương trình.

Nếu Yak-141 ra đời từ những năm 1970 thì có lẽ nó đã có số phận tốt đẹp hơn. Tuy vậy công nghệ của Yak-141 được chứng minh là rất ưu việt, mẫu máy bay này hoàn toàn có thể được "hồi sinh" vào một thời điểm thích hợp trong tương lai.

Có thể Yak-141 sẽ "tái sinh" nhưng không phải trong hình dạng cũ, tiêm kích tàng hình hạng nhẹ một động cơ Su-59 được Nga ra mắt tại Triển lãm MAKS 2021 cho thấy khả năng cao sẽ ứng dụng công nghệ của Yak-141, nếu vậy đây sẽ là cái kết đẹp cho một dự án tham vọng.