[ẢNH] Hiện trường vụ tàu ngầm Nga chìm theo ụ nổi trong cảng Sevastopol

ANTD.VN - Trong vòng chỉ có vài ngày đã diễn ra liên tiếp 2 vụ tai nạn liên quan đến những con tàu ngầm đã ngừng hoạt động của hải quân Nga, rất may là thiệt hại không ở mức quá lớn.

Mới đây tờ báo Gazeta.ru của Nga cho biết, một sự cố hy hữu đã xảy ra với tàu ngầm tấn công diesel-điện Chita số hiệu B-260 lớp Kilo 877 của hải quân nước này.

Con tàu đã bị loại khỏi biên chế chiến đấu của hạm đội Thái Bình Dương bất ngờ bị chìm tại Nakhodka trong quá trình được kéo đi xử lý, vụ tai nạn không gây ra thương vong về người.

Nhưng chỉ sau đó có vài ngày, một sự cố tiếp theo lại xảy đến với một tàu ngầm bị loại biên nữa của hải quân Nga, lần này là ở bán đảo Crimea.

Đó là chiếc B-380 thuộc Dự án 641B lớp Tango (phiên bản nâng cấp từ lớp Foxtrot), con tàu đã bị lật nghiêng khi ụ nổi PD-16 bất ngờ bị chìm tại cảng Sevastopol.

Được biết tàu ngầm B-380 đã phục vụ hải quân Liên Xô từ năm 1982. Sang đến đầu thập niên 2000, Hải quân Nga đã dự định hiện đại hóa con tàu có lượng giãn nước 3.800 tấn và chiều dài 91 m này nhưng dự án đã bị hủy bỏ.

Con tàu sau đó bị loại biên và đưa lên ụ nổi PD-16 để chờ rã sắt vụn từ năm 2009 cho tới ngày nay nhưng công việc vẫn chưa được tiến hành.

Nguyên nhân của vụ tai nạn ban đầu đã được xác định là do ụ nổi PD-16 đã quá cũ, làm phát sinh lỗ hổng trên nhiều vị trí.

Điều này khiến nước tràn vào các khoang và làm ụ nổi từ từ chìm xuống nước, sau khi bị chìm cùng PD-16 thì tàu ngầm B-380 đã được đưa trở lại mặt nước và nó đang tự nổi.

Theo thông báo thì ụ nổi PD-16 có tuổi đời rất cao, nó được đóng từ năm 1939 và đưa vào sử dụng từ năm 1941, phương tiện này tiếp nhận được những con tàu có lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn.

Trong Thế chiến thứ 2, ụ nổi PD-16 đã tham gia sửa chữa 189 tàu trong đó bao gồm 53 tàu ngầm, 13 tàu khu trục, 37 tàu hậu cần và 2 tàu tuần dương. Ụ nổi PD-16 chính thức được hải quân Nga cho nghỉ hưu vào năm 2010.

Sự cố trên không gây thiệt hại về người, cơ sở vật chất cũng được đánh giá là không có vấn đề gì đáng nói do cả ụ nổi PD-16 lẫn tàu ngầm B-380 đều đã bị loại khỏi biên chế hải quân Nga từ rất lâu.

Vấn đề được quan tâm hiện này là liệu sự cố này có gây trở ngại và nguy hiểm cho sự di chuyển của các tàu thuyền khác hay không?

Nhưng rất may là theo thông tin mới được cập nhật từ Cơ quan giao thông hàng hải Nga thì họ chưa nhận thấy có bất cứ mối lo nào.

Hiện tại Bộ Quốc phòng Nga cũng như hạm đội Biển Đen vẫn chưa công bố kế hoạch trục vớt hay phương án xử lý triệt để đối với 2 phương tiện nêu trên.