[ẢNH] Hải quân Iran từng mất nửa hạm đội trong một ngày, khi giao chiến với Mỹ

ANTD.VN - Trận hải chiến lớn diễn ra năm 1988 trên vịnh Ba Tư giữa Hải quân Mỹ và Iran đã kết thúc với thất bại nặng nề của Tehran ngay trên "sân nhà".

Năm 1988 khi Iran cũng đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz như ngày nay và đã tiến hành rải thủy lôi nhằm ngăn cản các tàu buôn đi qua.

Sự kiện này dẫn tới việc một chiến hạm Mỹ là tàu USS Samuel B. Roberts bị hư hỏng đã kích hoạt một đòn trả đũa quy mô lớn từ Hải quân Mỹ thông qua chiến dịch Praying Mantis.

Sáng 18/4/1988, chiến dịch quân sự bắt đầu với việc nhóm tàu sân bay USS Enterprise tấn công chiếm dàn khoan dầu ngoài khơi của Iran mang tên Sassan, nơi họ dùng làm trạm quan sát eo biển Hormuz.

Sau khi chiếm xong Sassan chỉ thông qua vài loạt đạn pháo, nhóm tàu chiến Mỹ sau đó chuyển hướng đến giàn khoan Rakhsh.

Không quân Iran cho 2 tiêm kích F-4 ra nghênh chiến nhưng phải rút lui khi bị radar phòng không của khu trục hạm USS Lynde McCormick khóa mục tiêu.

Chưa dừng lại Hải quân Mỹ triển khai nhóm tác chiến thứ hai gồm tuần dương hạm USS Wainwright, hộ vệ hạm USS Simpson và USS Bagley tấn công giàn khoan Sirri và nhanh chóng phá hủy nó.

Hải quân Iran trả đũa bằng cách cho 6 xuồng cao tốc tên lửa Boghammar tấn công các mục tiêu là tàu hậu cần Mỹ và tàu chở dầu dân sự, gây ra thiệt hại khá nhiều.

Tuy nhiên 2 cường kích A-6E cất cánh từ tàu sân bay USS Enterprise đã can thiệp bằng cách ném bom chùm khiến 1 xuồng của Iran chìm và 1 chiếc khác hư hại rồi phải rút lui.

Tiếp theo, Hải quân Iran cho tàu tên lửa tấn công nhanh Joshan khiêu chiến với nhóm tàu chiến Mỹ, chiến hạm Iran đã phóng tên lửa Harpoon nhưng bị gây nhiễu khiến quả đạn đâm xuống biển.

Biên đội tàu chiến Mỹ gồm tàu hộ vệ USS Simpson phóng 4 tên lửa phòng không RIM-66 Standard, USS Wainwright cũng bắn 1 quả RIM-66, tất cả đều trúng đích khiến chiến hạm Iran hỏng nặng và sau đó bị bắn chìm bằng pháo.

Không quân Iran sau đó cho một biên đội tiêm kích F-4 duy trì khoảng cách gần 50 km với USS Wainwright để trinh sát và sẵn sàng giao chiến.

Tàu chiến Mỹ phản ứng bằng cách phóng 2 tên lửa RIM-174 Standard ERAM. Một quả kích nổ gần mục tiêu, thổi bay một phần cánh và găm nhiều mảnh văng vào thân chiếc F-4 khiến chiến đấu cơ Iran không dám tiếp tục đến gần.

Chiến sự tiếp diễn khi tàu hộ vệ Sahand của Iran rời cảng Bandar Abbas để khiêu chiến với lực lượng Mỹ. Hai cường kích A-6E phát hiện nó khi đang tuần tra trên không, chiếc Sahand phóng tên lửa phòng không nhằm vào biên đội A-6E nhưng trượt mục tiêu.

Máy bay Mỹ đáp trả bằng 2 tên lửa diệt hạm Harpoon và 4 tên lửa dẫn đường laser Skipper. Tàu khu trục USS Joseph Strauss cũng phóng một quả Harpoon. Phần lớn tên lửa đều trúng đích khiến tàu Sahand hỏng nặng, bốc cháy dữ dội rồi chìm hẳn.

Chiều 18/4, tàu hộ vệ Sabalan rời căn cứ để tham chiến và bắn nhiều tên lửa phòng không vào phi đội A-6E Mỹ.

Cường kích A-6E Mỹ đáp trả bằng cách thả một quả bom dẫn đường laser trúng ống khói tàu chiến Iran, khiến nó bốc cháy và mất khả năng chiến đấu.

Sau khi đánh hỏng tàu Sabalan, Hải quân Mỹ được lệnh rút quân để giúp Iran có đường xuống thang và tránh gây ra thêm xung đột. Tehran chấp nhận đề xuất ngừng bắn, nhưng hai bên vẫn duy trì trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu.

"Chỉ trong một buổi chiều 18/4/1988, tàu chiến và máy bay Mỹ đã đánh chìm hoặc làm hư hại nặng một nửa lực lượng tác chiến của hải quân Iran. Thiệt hại trong trận đánh này nhiều hơn tổng thiệt hại của Iran sau 8 năm chiến tranh với Iraq".

"Đây dường như là một trong những lý do chính khiến Iran quyết định chấm dứt chiến tranh với Iraq vào giữa năm đó", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét. Trong ảnh: Các thủy thủ Iran bị Mỹ bắt giữ.

Về thiệt hại nhân mạng, Iran có 56 binh sĩ thiệt mạng, trong khi Mỹ chỉ mất 2 phi công lái trực thăng AH-1 do máy bay đâm xuống biển khi né tránh hỏa lực phòng không.