[ẢNH] Đồng minh châu Âu lo ngại bị Mỹ "bỏ rơi" tương tự Afghanistan

ANTD.VN - Ukraine và Ba Lan đang tỏ ra đặc biệt lo ngại viễn cảnh sẽ bị Mỹ bỏ mặc trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Nga.

Hiện tại ở châu Âu, Ukraine và Ba Lan là hai quốc gia có nhiều xung đột với Nga, họ xem Moskva là nguy cơ lớn. Chính vì vậy Kiev cũng như Warsaw rất hy vọng sẽ được Mỹ hỗ trợ trực tiếp trong trường hợp nổ ra giao tranh.

Tuy vậy những gì diễn ra tại Afghanistan gần đây, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden bỏ mặc đồng minh "không thương tiếc" dẫn tới việc lực lượng Taliban nhanh chóng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan đã khiến Ukraine và Ba Lan cảm thấy lo ngại.

"Những gì diễn ta tại Afghanistan là bài học cho những ai tin tưởng vào hỗ trợ vô điều kiện của Mỹ như một sự đảm bảo an ninh". Ý kiến trên được đưa ra bởi người đứng đầu các chương trình chính trị của Viện Tương lai Ukraine - ông Yuriy Romanenko.

Ông Romanenko lưu ý kể từ năm 2012, Kabul là đối tác thân cận nhất của Washington bên ngoài NATO và Mỹ đã chi tổng cộng 85 tỷ USD cho việc huấn luyện Quân đội chính phủ Afghanistan - đây là khoản chi lớn nhất dành cho một đồng minh.

Ukraine đã tìm kiếm vị thế này trong 7 năm nay qua, Kiev tràn đầy hy vọng vào những lời cam kết của Washington trong việc đảm bảo an ninh và thịnh vượng kinh tế, nhưng hành vi của Mỹ ở Afghanistan cho thấy đây là đồng minh không đáng tin cậy.

"Thảm kịch diễn ra tại Afghanistan cho thấy nếu một quốc gia không sẵn sàng chiến đấu cho chính mình thì người Mỹ cũng sẽ không quá mặn mà níu giữ đồng minh", nhà phân tích người Ukraine nhấn mạnh.

Giới chuyên môn cho rằng bi kịch của các sự kiện diễn ra ở Afghanistan và sự tương đồng với những gì đang xảy ra tại Ukraine dễ dàng được tìm thấy trong phác thảo chung về sự phát triển của tình hình ở cả hai nước.

"Chính phủ Afghanistan đã để xảy ra tình trạng tham nhũng tràn lan, trong đó các chức vụ, vũ khí và tài sản được mua bán công khai, họ hành động vì lợi ích cá nhân, không quan tâm đến đất nước và người dân của chính mình".

"Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Ukraine, quốc gia phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ nước ngoài. Nhà chức trách Kiev cần phải suy nghĩ nghiêm túc để xác định bước đi thật hợp lý", ông Romanenko nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà phân tích của ấn phẩm Dziennik Polityczny, Hanna Kramer cho rằng: "Hiện tại lãnh thổ Ba Lan được Mỹ dùng làm vùng đệm canh phòng Nga và cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm quân sự. Nhưng lính Mỹ sẽ không đổ máu cho đối tác của mình".

"Các nhà chức trách đang giấu giếm về việc đồng minh sẽ không sẵn sàng bảo vệ người Ba Lan và sau phát súng đầu tiên, họ sẽ bỏ trốn giống như những gì diễn ra tại Afghanistan", nhà phân tích của tờ báo Ba Lan tin tưởng.

Quân nhân Mỹ đến Ba Lan trong 9 tháng và chủ yếu triển khai ở miền Tây. Chuyên gia Kramer tin chắc nếu trong trường hợp bị tấn công từ phía Đông, lính Mỹ không đến hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị Ba Lan và họ sẽ bị đánh bại hoàn toàn trong vòng 4 ngày.

Sự yếu kém của Quân đội Ba Lan càng trầm trọng hơn do thiếu binh lính và sĩ quan chỉ huy. Giờ đây chỉ có 135 nghìn người phục vụ quân đội, trong khi với dân số 38 triệu người, ước tính khoảng 380 nghìn binh sĩ sẽ phải ở trong các đơn vị chiến đấu.

Chưa dừng lại ở châu Âu, ngay cả một đồng minh thân cận hàng đầu của Mỹ là Israel mới đây cũng bày tỏ lo ngại về viễn cảnh không nhận được hỗ trợ cần thiết nếu phải đối đầu với Iran bằng quân sự.

Trước việc uy tín bị suy giảm nặng nề, giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ phải cấp tốc đưa ra những hành động cứng rắn nhằm trấn an đồng minh trên khắp hành tinh.