[ẢNH] Cựu Tổng thống Hamid Karzai, ‘ánh sáng cuối đường hầm’ cho Afghanistan

ANTD.VN -  Tình hình Afghanistan trở nên hỗn loạn khi Taliban chiếm Kabul hôm 15/8, buộc ông Hamid Karzai đứng ra thay vị tổng thống đã tháo chạy nước ngoài, đàm phán trực tiếp với lực lượng Taliban.

Giữa lúc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tháo chạy ra nước ngoài và Taliban tràn vào thủ đô Kabul, một cựu lãnh đạo đã xuất hiện, đó là cựu Tổng thống Hamid Karzai.

Trong lúc người dân hoảng loạn vì sự chiếm đóng của Taliban và sự thất vọng về việc lãnh đão đất nước bỏ rơi họ, việc vị cựu tổng thống Aghanistan đứng lên tuyên bố đồng hành khiến người dân an tâm phần nào.

Ông Hamid Karzai, người từng làm Tổng thống Afghanistan (giai đoạn 2001 - 2014) xuất hiện trong một đoạn video trực tuyến cùng ba người con gái, nói rằng ông đang ở Kabul và kêu gọi người dân không hoảng sợ.

“Tôi, các con gái cùng toàn bộ gia đình vẫn đang ở đây với các bạn. Tôi kêu gọi lực lượng và Taliban bảo vệ an ninh cho dân thường", ông Hamid Karzai nói.

Thông điệp được đưa ra đúng lúc không chỉ giúp người dân bình tĩnh lại. Nó còn nằm trong chiến dịch của ông Hamid Karzai nhằm ngăn chặn giao tranh, đồng thời tạo cơ hội đàm phán thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Taliban và các lực lượng chính trị khác tại Afghanistan.

"Trong suốt hai năm qua, ông Hamid Karzai đã tìm cách đặt mình vào trung tâm của những vấn đề lớn tại Afghanistan như vậy", tờ Wall Street Journal nhận xét.

Vào hôm 15/8, cựu tổng thống Afghanistan đã cùng với người đứng đầu Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao Abdullah Abdullah thành lập một “hội đồng điều phối" để đàm phán nhằm chuyển giao quyền lực choTaliban.

Hội đồng sẽ làm việc để “ngăn chặn sự hỗn loạn và giảm bớt nỗi đau khổ của người dân”, ông Karzai nói trên Twitter.

Tuy nhiên cuộc đàm phán đang diễn ra thì cựu Tổng thống Ghani lại tháo chạy khiến cho cả ông Hamid Karzai và Abdullah Abdullah đều bất ngờ, ưu thế đàm phán lúc này nghiêng hẳn về Taliban.

Tuy vậy, ông Karzai và Abdullah cũng đã đàm phán được với Khalil Haqqani, một trong các thủ lĩnh then chốt của Taliban về việc bảo đảm an toàn cho người dân Afghanistan, đặc biệt là những người từng làm việc cho chính quyền cũ.

"Chúng tôi không muốn lặp lại bất kỳ cuộc chiến hay xung đột nào. Những hận thù đã chấm dứt và chúng tôi muốn sống hòa bình. Chúng tôi không muốn có bất kỳ kẻ thù nào ở trong và ngoài nước", phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid cho biết trong cuộc họp báo hôm 17/8.
"Chúng tôi đã ân xá cho mọi người, vì lợi ích của sự ổn định và hòa bình tại Afghanistan", ông Mujahid tuyên bố, đồng thời kêu gọi người dân ở lại vì họ là tài sản của quốc gia.

Tương lai của Afghanistan trong những tháng tới sẽ được xác định dựa theo cách Taliban phản ứng trước những nỗ lực làm dịu tình hình; và cách thành lập chính quyền mới có bao gồm các phe phái chính trị tại nước này hay không.

Do cựu Tổng thống Ghani tháo chạy trong lúc đàm phán chuyển giao quyền lực, điều này đã khiến cho ông Karzai không đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc chia sẻ quyền lực với Taliban.
Nắm trong tay quyền kiểm soát hầu hết Afghanistan, Taliban sẽ có ít động lực để ngồi vào bàn đàm phán chia sẻ quyền lực.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích chính trị lại bình luận rằng, trong bối cảnh Taliban chưa lấy được cảm tình trong nước và sự công nhận quốc tế, vì vậy việc chia sẻ ít nhiều quyền lực với ông Karzai là cách giúp họ bảo vệ thành quả chiến thắng vừa đạt được.

Tuần trước, Tổng thống Biden đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ các quỹ của Afghanistan nhằm tránh để số tiền lên tới hơn 9 tỷ USD rơi vào tay Taliban.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady cho biết, Taliban sẽ chỉ tiếp cận được một phần nhỏ trong khối tài sản hơn 9 tỷ USD mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan sở hữu tại Mỹ.

"Afghanistan là một quốc gia có nhiều phe nhóm. Cách duy nhất có thể điều hành là xây dựng các liên minh rộng lớn”, ông Mike Martin, nghiên cứu viên tại Đại học King London, đồng thời là cựu sĩ quan chính trị của Anh ở Afghanistan, cho biết.
"Với kinh nghiệm và mối quan hệ quốc tế, ông Hamid Karzai, người tự miêu tả mình là nhà hoạt động vì hòa bình, có thể đóng vai trò như người đại diện hữu ích trong công cuộc chuyển giao với Taliban" ông Mike Martin nhận xét.
"Ông ấy chắc chắn giúp ích để đảm bảo tính hợp pháp quốc tế, và Taliban có thể cần điều này để ổn định tình hình và phát triển đất nước hậu chiến tranh”, ông Mike Martin kết luận.

Khi cựu Tổng thống Hamid Karzai được Taliban chia sẻ vị trí quyền lực trong chính quyền mới, hoặc ít nhất là ông có ảnh hưởng nhất định đến chính quyền do Taliban thành lập; lúc đó người dân Afghanistan có quyền hy vọng vào một tương lai bớt u ám hơn cho họ.