[ẢNH] Chuyên gia Mỹ: Su-35 chưa thể hiện được gì tại chiến trường Syria

ANTD.VN - Những tranh cãi xung quanh tính năng kỹ chiến thuật ưu việt của tiêm kích thế hệ 4,5 Su-35S giữa các chuyên gia Nga và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tiêm kích đa năng thế hệ 4,5 Su-35S Super Flanker được xác định là chủ lực của Không quân Nga khi chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Su-57 vẫn chưa thực sự sẵn sàng.

Chiếc Su-35S lần đầu tiên được Nga mang sang Syria để tham gia các hoạt động thực chiến và đã được những chuyên gia quân sự nước này tán dương hết lời.

Thậm chí một trong những nguyên nhân khiến Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt Su-35S thay vì Su-30SM được cho là vì màn thể hiện ấn tượng của nó tại chiến trường Syria.

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky từng nhiều lần tự tin tuyên bố rằng Su-35S hoàn toàn đủ sức đối đầu tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ như F-22 hay F-35.

Bằng chứng được ông đưa ra chính là trong một phi vụ tiêm kích F-22 kèm sát Su-25 của Nga, khi chiếc Su-25 gọi Su-35 lên hỗ trợ thì Raptor đã chủ động rời đi.

Mặc dù vậy theo ý kiến của chuyên gia Dave Majumdar trong bài viết trên tạp chí The National Inrterest thì hành động rời đi của F-22 chỉ nhằm mục đích tránh giao chiến không cần thiết và giữ bí mật tham số radar mà thôi.

Còn trong thực tế tại chiến trường Syria, chiếc Su-35S chỉ được nga sử dụng chủ yếu cho nhiệm vụ oanh kích các mục tiêu mặt đất của phiến quân nổi dậy.

Tuy rằng Su-35S làm tốt chức năng cường kích nhưng thực chất nó cũng chưa thể hiện được gì nhiều trước lực lượng phiến quân trang bị quá đơn sơ, gần như hoàn toàn không có các hệ thống tên lửa phòng không uy lực.

Trong khi đó chức năng chính của Su-35S là tiêm kích chiếm ưu thế trên không thì nó hoàn toàn chưa có cơ hội thể hiện các thông số kỹ chiến thuật ưu việt của mình.

Nga từng điều động Su-35S làm nhiệm vụ hộ tống các biên đội Su-24M2 và Su-34 đi đánh phá các mục tiêu phiến quân nhằm đề phòng lại xảy ra trường hợp tương tự vụ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 hồi năm 2015.

Nhưng thực tế trong suốt quá trình hoạt động không ghi nhận được bất cứ một lần giao chiến hay mối đe dọa đủ lớn với Su-35S buộc nó phải thể hiện tính năng.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiếc chiến đấu cơ tiên tiến trên hoàn toàn chưa được kiểm nghiệm vai trò chiếm ưu thế trên không trước các loại tiêm kích đối phương.

Không thể phủ nhận rằng Su-35S là một tiêm kích rất mạnh, nhưng nguyên nhân chính khiến Nga sản xuất hàng loạt nó vẫn dựa trên thông số lý thuyết chứ không phải vì thành tích thực chiến.

Tính năng của Su-35S thậm chí còn bị nghi ngờ khi Trung Quốc sau khi nhận đủ 24 máy bay đã tỏ ý không muốn mua thêm bất chấp Nga liên tục chèo kéo, họ cho rằng hệ thống điện tử của Su-35S không ấn tượng hơn tiêm kích nội địa.

Sẽ cần thêm thời gian để chiếc chiến đấu cơ đa năng đình đám này của Không quân Nga chứng minh năng lực vượt trội của nó theo đúng những gì giới quân sự Moskva từng tự hào công bố.