[ẢNH] Chuyên gia giải thích "lằn ranh đỏ" ông Putin vạch ra về tình hình Belarus

ANTD.VN - Quan điểm cũng như hành động của Nga đối với cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Belarus được giới chuyên gia phân tích phương Tây rất quan tâm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin với những tuyên bố của mình về Belarus đã vạch ra một "lằn ranh đỏ" cho phương Tây, cảnh báo họ không được vượt qua, từ đó bảo vệ quốc gia láng giềng trước những biểu hiện của sự can thiệp.

Ý kiến ​​này được chuyên gia người Đức Alexander Sosnovsky phát biểu trên kênh truyền hình Russia-1, lưu ý rằng người dân châu Âu đang theo dõi sát sao xem tình hình Belarus sẽ phát triển như thế nào.

Tuy nhiên phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước những gì đang diễn ra ở Belarus có vẻ như quan trọng đối với châu Âu hơn là bản thân sự kiện.

Một số chính trị gia phương Tây có xu hướng coi việc ông Putin kiềm chế không đưa ra tuyên bố về những gì diễn ra tại Belarus trong một thời gian là sự “rút lui”, cũng như biểu hiện cho thấy sự ủng hộ của lãnh đạo Nga đối với quan điểm của phe đối lập Belarus.

Tuy nhiên sau khi Tổng thống Liên bang Nga trả lời phỏng vấn về chủ đề này thì mọi chuyện đã đâu vào đấy, Moskva vẫn tỏ ra ủng hộ đồng minh xưa cũ là ông Alexander Lukashenko.

"Các nước phương Tây đã nói rõ rằng với những gì Tổng thống Nga phát ngôn, họ sẽ phải sống và đưa ra quyết định dựa trên điều này. Và khi ông Putin nói những điều cụ thể, nó đã trở thành một lằn ranh đỏ", chuyên gia Sosnovsky bình luận.

"Bây giờ họ hiểu rằng không thể tiến xa hơn. Khi những quan điểm mà Tổng thống Putin vạch ra trở nên rõ ràng, những lời hùng biện và thông điệp đã thay đổi châu Âu chỉ trong vòng vài giờ", ông Sosnovsky nói thêm.

Đồng thời nhà khoa học chính trị người Đức lưu ý rằng sự kiện đang diễn ra ở Belarus có thể được gọi là một cuộc chiến tranh hỗn hợp mà phương Tây đang tiến hành để chống lại đất nước này.

Theo ông Sosnovsky, điều đó được chỉ ra bởi những dấu hiệu của cuộc chiến tranh hỗn hợp liệt kê trong Sách Trắng của Bundeswehr, nhiều điều trong số đó đã tìm thấy hiện thân của mình trong cuộc khủng hoảng tại Belarus.

Ví dụ bên ngoài Belarus, có những thế lực đang tiến hành cuộc chiến tranh thông tin và ý thức hệ nhằm mục đích rõ ràng là chống lại chính quyền Minsk.

Nguồn thông tin chính về các cuộc biểu tình tại Belarus tập trung ở Vilnius và Warsaw, nhưng các hoạt động tương tự cũng được thực hiện ở London, nơi theo ông Sosnovsky thì 6 tỷ USD đã được thu thập để hỗ trợ phong trào đối lập tại Minsk.

Ngoài ra những dấu hiệu của cuộc chiến hỗn hợp, cụ thể là việc tuyển dụng trực tiếp những người phản đối và thành lập cái gọi là "Hội đồng điều phối để chuyển giao quyền lực" của bà Svetlana Tikhanovskaya có thể trở thành "con ngựa thành Troy'' của các cơ quan tình báo phương Tây.

Bước đi như vậy không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu “thể diện” của cuộc biểu tình ở Belarus, mà có thể trở thành một cái bẫy thực sự đối với nguyên thủ quốc gia đương nhiệm.

Ông Sosnovsky cảnh báo: "Nếu Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tham gia đàm phán với 'lời khuyên' này, ông có thể vô tình cung cấp cho cấu trúc đối lập nói trên tính hợp pháp".

Lưu ý rằng các cuộc biểu tình ở Belarus vẫn chưa lắng xuống kể từ ngày 9/8/2020, khi Ủy ban bầu cử trung ương công bố kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức tại nước này.

Theo đó, Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko giành chiến thắng với 80% phiếu bầu, trong khi đối thủ chính của ông - bà Svetlana Tikhanovskaya giành vị trí thứ hai với 10% số phiếu.

Đại diện của phe đối lập Belarus từ chối công nhận kết quả bầu cử và kêu gọi xuống đường tại các thành phố lớn với hành động phản đối. Vài ngày sau, nhiều nhà máy quốc doanh lớn của Belarus tạm dừng công việc, tuyên bố đình công, gây ra cuộc khủng hoảng sâu rộng.