[ẢNH] Chủ tịch Triều Tiên thị sát vụ thử pháo phóng loạt có sức mạnh hủy diệt

ANTD.VN - Triều Tiên thông báo tập trận với pháo phản lực siêu lớn hôm 9-3, đồng thời họ cũng cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát và hài lòng với đợt phóng.

"Chủ tịch Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát cuộc tập trận tiến công hỏa lực ngày 9-3. Hoạt động này nhằm kiểm tra khả năng phản công chớp nhoáng của các đơn vị pháo binh tầm xa tại tiền tuyến. Ông Kim Jong-un hài lòng với kết quả tập trận", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay 10-3 thông báo.

Hôm qua phía quân đội Hàn Quốc cũng thông báo Triều Tiên phóng 3 đầu đạn từ khu vực Sondok ở tỉnh Nam Hamgyong, phía đông nước này. 

Các quả đạn bay được 200 km, đạt độ cao tối đa 50 km và rơi xuống biển Nhật Bản.

Hình ảnh do KCNA công bố cho thấy ông Kim Jong-un không đeo khẩu trang, sử dụng ống nhòm để theo dõi cuộc tập trận, trong khi các chỉ huy quân đội đều mang khẩu trang màu đen. 

Hàng loạt hệ thống pháo phản lực (rocket) đã khai hỏa trong hoạt động này bao gồm cả tổ hợp rocket siêu lớn với cỡ nòng 600 mm.

Được biết loại pháo phản lực mới có đường kính nòng rất lớn này có thể đạt tầm bắn tối đa khoảng 400km.

Đây là lần thứ hai Triều Tiên phóng pháo phản lực siêu lớn chỉ trong một tuần.

 Loại vũ khí này đủ sức đe dọa phần lớn căn cứ Mỹ và Hàn Quốc. 

Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên đang hoàn thiện và sẽ sớm đưa pháo phản lực siêu lớn vào biên chế sẵn sàng chiến đấu.

"Nó có thể làm nhiệm vụ tập trung hỏa lực, trong đó các quả đạn phóng từ một hoặc nhiều khẩu đội ở những vị trí phân tán dội xuống khu vực mục tiêu vào cùng một thời điểm", Ryu Sung-yeop, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hàn Quốc, cho hay.

Quân đội Triều Tiên đang biên chế hệ thống pháo phản lực KN-09 có đường kính 300 mm, tầm bắn khoảng 190 km và tốc độ tối đa gần Mach 5,2. Tuy nhiên, trong vụ thử vừa qua, quả đạn của Triều Tiên đã đạt tốc độ tối đa Mach 6,5.

Một số chuyên gia nhận định rằng mẫu pháo phản lực mới của Triều Tiên có thể được coi là một trong những vũ khí chiến thuật hiệu quả nhất trong chiến tranh phi hạt nhân.

Theo Kwon, Triều Tiên rất có thể đang muốn thay thế các tên lửa đạn đạo tầm ngắn bằng MLRS cỡ lớn nhằm sở hữu một phương tiện tấn công rẻ hơn, dễ triển khai hơn nhưng vẫn có sức mạnh tương đương.

Nếu được phóng từ khu vực gần biên giới liên Triều, các quả đạn từ mẫu pháo phản lực mới này có thể vươn tới các mục tiêu quan trọng của Hàn Quốc như căn cứ không quân ở Cheongju, khu phức hợp quân sự Gyeryongdae ở gần thành phố Daejeon và căn cứ Seongju ở tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi bố trí lá chắn THAAD của Mỹ.

Các cuộc tập trận gần đây của Bình Nhưỡng dường như cũng nhằm tăng cường sĩ khí quân đội và cho thấy nước này không chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.