Ánh chớp ngọt ngào khai sáng đường về của một thầy giáo trại giam

ANTĐ -Tỉnh giấc, xung quanh là bức tường giam lạnh lẽo, bên cạnh là nhịp thở khi khoan, lúc nhặt của những người bạn giam cùng phòng, xa xôi lắm là tiếng ếch nhái vọng vào khó nhọc, Nhâm Bức Thông nén tiếng thở dài, tâm trí chợn rợn về giấc mơ đẹp dang dở. Hắn thầm thì ao ước: "Giá như..."

Những gương mặt thơ nhìn lên bục giảng, nơi ấy, Nhâm Đức Thông đang cầm viên phấn trắng, miệt mài ghi từng công thức toán lên tấm bảng đen óng ả. Một cách điệu nghệ và nhanh nhẹn, đường tròn được Nhâm Đức Thông vẽ lên bảng chỉ bằng hai cái đưa tay đơn giản, học sinh ở dưới trầm trồ, thán phục thầy. Hắn tự hào ghê lắm, nhoẻn miệng cười hiền từ như ông Bụt. Bất chợt hắn tỉnh giấc. Hoá ra đó chỉ là một giấc mơ về mấy mươi năm trước. Nhiều đêm lắm rồi, giấc mơ ấy trở đi trở lại như chút tàn sót lại của những năm tháng được sống đúng đam mê của mình. Tỉnh giấc, xung quanh là bức tường giam lạnh lẽo, bên cạnh là nhịp thở khi khoan, lúc nhặt của những người bạn giam cùng phòng, xa xôi lắm là tiếng ếch nhái vọng vào khó nhọc, Nhâm Bức Thông nén tiếng thở dài, tâm trí chợn rợn về giấc mơ đẹp dang dở. Hắn thầm thì ao ước: "Giá như..."

Với tội danh che giấu tội phạm trong vụ án đình đám, từng chấn động dư luận năm 2009 của anh em Phương "Ninh hột", Nhâm Đức Thông bị toà tuyên án 4 năm tù giam. 4 năm không phải quá dài, song đó như bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nhâm Đức Thông, và càng là điều nhức nhối hơn đối với một người từng đứng trên bục giảng, từng được hàng trăm học sinh gọi bằng hai tiếng trìu mến "thầy giáo". Kể về cuộc đời nhiều vất vả, lận đận vì miếng cơm manh áo của mình, Nhâm Đức Thông không giấu nỗi chua xót và cả những niềm tiếc nuối.

Trò chuyện cùng Nhâm Đức Thông, không hiểu sao hình ảnh anh trí thức Thứ trong tiểu thuyết "Sống mòn" của cố nhà văn Nam Cao lởn vởn trong đầu tôi. Hình như giữa Thứ và Thông có gì đó "giông giống" nhau. Dĩ nhiên, hai con người đó sống ở hai thời đại khác nhau, thậm chí Thứ chỉ xuất hiện trên trang giấy, còn Thông - bằng xương bằng thịt với hiện thực nghiệt ngã. Có lẽ chăng, cả hai con người đó đều sớm từ bỏ khát vọng, đam mê của mình chỉ vì cuộc sống cơm áo gạo tiền. Có thể Thông không giống Thứ ở chỗ Thông thoát ra khỏi cuộc sống túng bấn khi Thông quyết định từ bỏ nghiệp cầm phấn trắng, chuyển sang làm kinh tế, song cái chết mòn trong cái cuộc sống chật hẹp khi không thể thực hiện được chí hướng, ước mơ của mình, có lẽ, họ giống nhau.

Các bị cáo trong vụ án Phương "Ninh hội" năm nào.

Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh, Nhâm Đức Thông theo chân những đoàn thanh niên xung phong ra biên giới và dạy chữ cho họ. Thời ấy, anh thanh niên trẻ trung, hừng hực nhựa sống và khát khao cống hiến không ngại khó, ngại khổ xông pha vào những nơi ngặt nghèo, bề bộn khó khăn. Nhâm Đức Thông nhớ như in những buổi đứng lớp miệt mài, cả thầy, cả trò quên bẵng mặt trời đã đứng bóng hoặc trời đã xâm xẩm tối. Bởi cái sự tâm huyết, nhiệt thành ấy mà thầy Thông được học trò yêu mến, kính trọng, có vấn đề gì khúc mắc cũng đều tìm tới thầy trò chuyện, tư vấn.

Lập gia đình, những năm tháng bao cấp nghèo khổ ấy đi vào tâm tí thầy Thông giống như một sự ám ảnh khắc nghiệt. Hai vợ chồng mỗi tháng được phát 13kg gạo. Bữa cơm nào cũng độn thêm khoai, sắn mà không đủ no. Có những thời điểm, ban ngày, Nhâm Đức Thông đứng trên bục giảng, tay cầm phấn trắng giảng bài cho học sinh, còn đêm xuống, cũng đôi bàn tay ấy miệt mài bên cối xay bột, vội vã với mẻ bánh đa cho kịp trời sáng để đem đi bán. Đôi tay phồng rộp vì nắm chiếc cần máy xay, toàn thân nhức mỏi, rệu rã nhưng chưa bao giờ, Nhâm Đúc Thông để ảnh hưởng tới buổi giảng dạy trên lớp.

Thế nhưng, cuộc sống nghèo khổ, cùng với những đứa con lần lượt chào đời càng khiến cuộc sống của vợ chồng Thông chật vật hơn. Giọng Thông rầu rầu: "Mình khổ đã đành rồi, nhưng là thằng đàn ông, chứng kiến vợ con chật vật, xoay vần trong nhếch nhác, vừa thương, vừa ức. Không đành", vợ chồng hắn bàn lên, tính xuống và đi tới quyết định trọng đại: Từ bỏ bục giảng, chuyển sang làm kinh tế. "Tôi đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Bởi thời ấy làm giáo viên nghèo khổ quá. Thoả sức với đam mê, nhưng rốt cuộc phía sau tấm bảng đen, phấn trắng là những bữa cơm khoai sắn nhiều hơn gạo, là tiền lo cho con nay ốm, mai đau, là danh sách dài những khoản chi phí không tên... Tôi mất ngủ hàng đêm dài, đặt tay lên trán đếm ngược thời gian chờ trời sáng.

Và rốt cuộc, tôi lựa chọn con đường từ bỏ nghề giáo viên trong nỗi luyến tiếc và nhiều day dứt. Dù có tự nhủ bản thân "cuộc sống nó ép buộc mình như vậy, phải học cách chấp nhận", nhưng nhiều năm sau đó, trong thâm tâm tôi có gì đó vẫn không thể nguôi day dứt. Còn gì đau đớn hơn từ bỏ hoài bão, đàm mê của mình chỉ vì miếng cơm manh áo".

Quả tình, chuyển ra làm kinh tế ở Móng Cái, cuộc sống của gia đình Nhâm Đức Thông ít nhiều đỡ vất vả, cuộc sống vợ chồng bắt dầu có tích cóp và dư dả được chút đỉnh.

Sa lầy và bài học về giá trị cuộc sống

Nhớ lại vụ án Phương "Ninh hột" năm nào, Nhâm Đức Thông ngậm ngùi chua xót: "Đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Khi bị bắt và nhận mức án 4 năm tù giam với tội danh che giấu tôi phạm, tôi chết điếng người. Sau lưng tôi, bố mẹ thất vọng, vợ con nức nở. Đặc biệt là bố tôi, ông thất vọng về đứa con trai ông vô cùng yêu mến và tin tưởng. Ông là người sống liêm khiết, trong sạch và nghiêm khắc, đạo lý làm người ông dạy tôi đến nơi đến chốn để cuối cùng, tôi đáp trả, báo hiếu bố mẹ bằng bản án 4 năm. Tâm trạng tôi trong những ngày đầu vào trai vô cùng tồi tệ. Tôi thấy mình là một kẻ tội đồ, làm nhơ nhớp cả một gia đình gia giáo.

Tôi có lỗi với bố mẹ, vợ con tôi. Tôi im lặng trong góc tường, và ý nghĩ về cái chết hiện ra trong đầu. Tôi chỉ ước có thể chết ngay lập tức để thoát khỏi nỗi nhục nhã do chính mình mang lại, nhưng các cán bộ quản giáo đã động viên tôi rất nhiều. Họ nói với tôi rằng, chết là hết, nhưng để sống và bắt đầu lại mới khó và quan trọng hơn, tôi phải chuộc lỗi với những người thân yêu trong gia đình. Bố mẹ, vợ con lên thăm tôi, dù chỉ nhìn nhau qua tấm kính và nói chuyện qua chiếc điện thoại nhỏ, nhưng tôi cảm nhận được tất cả sự bao dung, vị tha của họ dành cho người chồng, người con lầm lạc này".

Một buổi sáng ở trong trại giam, khi đang làm công việc của mình, cán bộ quản giáo đi tới chỗ Nhâm Đức Thông và đề nghị hắn đi theo cán bộ tới phân trại 2 của trại giam Quảng Ninh ở trong Đồng Vải. Vừa đi đường, cán bộ Hải vừa nói chuyện, biết Nhâm Đức Thông có trình độ sư phạm, nên cử Nhâm Đức Thông vào phân trại trợ giảng, dạy học cho những phạm nhân ở trong đó. Cán bộ mới chỉ nói có vậy nhưng như có một dòng điện chạy dọc cơ thể Thông. Thông bảo, cảm xúc lúc ấy thật khó tả và kì lạ.

Run run cầm viên phấn, đứng trước hàng chục "học sinh đặc biệt", Nhâm Đức Thông bồi hồi và rồi bản năng nghề nghiệp từ lâu lắm rồi trỗi dậy, hắn giảng bài như lên đồng, như để thỏa nỗi nhớ mong vùi lấp hàng bao năm dằng dặc. Là giáo viên dạy Toán song có cả năng khiếu văn chương, Nhâm Đức Thông đứng lớp cả môn Toán và Văn. Thông thừa nhận, có những kẻ là giang hồ máu mặt ngoài xã hội, gây nên những vụ án từng làm chấn động dư luận thế nhưng khi vào trại giam, vào "lớp học đặc biệt" của thầy giáo Thông, họ bỗng "mềm tính", "thuần tính" hơn nhiều.

Có học trò miệt mài viết văn tới tận 3 giờ sáng còn gọi thầy dậy, nhờ thầy kiểm tra, sửa chữa. Thầy Thông chẳng lấy đó làm điều khó chịu, trái lại Thông "lâng lâng khi thấy mình vẫn có thể hướng dẫn, giúp đỡ người khác. Thấy mình vẫn có thể "làm thầy", dù là "một người thầy cá biệt" ở trong môi trường đặc biệt". Có phạm nhân nhận được bưu phẩm người nhà gửi từ rất lâu, nhưng không đọc được nội dung bức thư kèm trong đó. Cho tới khi được "thầy Thông" dạy chữ, có thể tự đọc thư đã rưng rưng nói với hắn: "Em sung sướng quá thầy ạ. Cuối cùng tự em đọc được thư vợ gửi lên rồi. Nhờ cậy thầy cả". Hắn cười hiền, thấy cuộc đời lại đẹp bởi hắn sống có ý nghĩa.

Sống sau song sắt, Nhâm Đức Thông dần được hồi sinh. Sự chỉ dạy, bảo ban ân cần của các cán bộ quản giáo, sự đùm bọc, động viên nhau của những "người cùng cảnh ngộ" mặc áo sọc xanh và đặc biệt sự bao dung, vị tha của gia đình giúp hắn hiểu thêm được nhiều giá trị sống. Đặc biệt, có những năm tháng trả giá ở phía sau song sắt, hắn mới hiểu hết được tấm chân tình mộc mạc của người vợ hiền cùng hắn trải qua những năm tháng đói nghèo cho tới cơn sóng gió này.

Nhớ lần vợ hắn lên thăm, vợ gửi cho hắn chai nước giặt Omo, hắn ngơ ngác không biết dùng để làm gì. Vợ phải ngồi hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, mắt không ngừng nhìn chồng đầy lo lắng, xót xa. Hắn bảo: "Hồi còn ở ngoài xã hội, chẳng bao giờ phải động tay động chân vào mấy việc này, vào đây, phải làm quen với nhiều thứ, phải tự thân vận động làm nhiều việc, nghiệm ra nhiều giá trị cuộc sống mà có thể khi ngoài xã hội, mình khinh bạc, đếm điều hoặc ngó lơ coi là vớ vẩn".

Cú vấp khi đầu đã hai thứ tóc dạy cho Nhâm Đức Thông nhiều bài học quý giá. Những năm tháng thụ án ở trại giam Quảng Ninh thức tỉnh Thông được nhiều điều. Đam mê nghề nghiệp được đánh thức, những hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị về cuộc sống xung quanh tràn vào nhân sinh quan của hắn - những điều mà trước đây do mải miết làm ăn, kiếm tiền, hắn đã ngó lơ. Và quan trọng hơn nữa, thời gian ấy giúp hắn sống chậm lại, và tự tin trở về làm lại những phần việc còn dang dở.