[Ảnh] Bất ổn và bạo lực lan tràn ở Nam Phi, hơn 1.200 người bị bắt giữ

ANTD.VN -  Bạo lực leo thang liên tục trong 5 ngày qua ở Nam Phi đã khiến hơn 70 người thiệt mạng và 1.200 người bị bắt giữ. Mặc dù Chính phủ nước này đã triển khai 2.500 binh sĩ nhưng nhà chức trách dường như không thể ngăn được tình trạng bạo lực và cướp phá lan tràn.

Ngày 13-7, đám đông đụng độ với cảnh sát, cướp phá hoặc đốt cháy các cửa hàng cửa hiệu ở nhiều thành phố trên khắp Nam Phi. Đây là cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại nước này.

Hai tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc biểu tình hôm 13-7. Trong đó, Gauteng ghi nhận 45 người chết, tỉnh còn lại là 27 người

Nguyên nhân dẫn đến nhiều người thiệt mạng chủ yếu do giẫm đạp vì hôi của trong các cuộc bạo loạn.

Trước đó, hai tỉnh này rơi vào tình trạng mất kiểm soát do hàng nghìn người lợi dụng biểu tình xông vào các cửa hàng thực phẩm, đồ dùng để hôi của.

Thậm chí một nhóm cướp còn gài thuốc nổ phá hủy trạm ATM để lấy tiền khiến một số người thiệt mạng

Bạo lực leo thang sau khi cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tự ra trình diện cảnh sát hôm 7-7 để thi hành án tù 15 tháng với tội danh không tuân theo lệnh triệu tập của tòa án.

Ông Zuma, 79 tuổi, bị giam từ tháng trước vì bất tuân lệnh của toà án hiến pháp về việc phải cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra tham nhũng trong suốt 9 năm ông cầm quyền cho đến năm 2018.

Một số ý kiến cho rằng, hòa bình và ổn định ở Nam Phi liên quan trực tiếp đến việc trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Zuma

Quá trình tố tụng đối với cựu Tổng thống Zuma được coi như phép thử đối với khả năng thực thi pháp quyền của Nam Phi cũng như năng lực chèo lái của chính phủ cầm quyền.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn là những mâu thuẫn trong lòng xã hội. Tình hình kinh tế kiệt quệ do đại dịch Covid-19 khiến cho đời sống người dân Nam Phi thêm phần khó khăn.

Tình trạng đói nghèo càng trở nên trầm trọng vì nhiều biện pháp hạn chế kinh tế và xã hội để hạn chế sự lây lan của đại dịch. Nó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao các cuộc biểu tình thời gian gần đây tại nước này liên tục biến thành bạo loạn.

Các cuộc biểu tình ngày càng diễn biến bạo lực tại Nam Phi đang gây gián đoạn nhiều hoạt động tại quốc gia này.

Ngày 14-7, nhà máy lọc dầu SAPREF ở thành phố cảng Durban, miền Đông Nam Phi với công suất lớn nhất cả nước đã phải tạm ngừng hoạt động vì bạo lực leo thang

Bộ Y tế Nam Phi cho biết một số cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân đang tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn, trong khi một số điểm tiêm phòng Covid-19 bị đập phá hoặc có nguy cơ bị tấn công cũng tạm thời đóng cửa.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và y tế vì những hành vi trên, đặc biệt là sự gián đoạn của các nỗ lực tiêm phòng Covid-19.