[ẢNH] Bất ngờ hệ thống tên lửa phòng thủ của Nga còn khiến Mỹ lo sợ hơn cả S-500

ANTD.VN - Không phải S-500 mà chính A-235 Nudol mới là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Nga khiến Mỹ hết sức lo ngại. Chỉ cần số lượng nhỏ đạn tên lửa của hệ thống này có thể làm tê liệt mạng lưới vệ tinh dẫn đường vũ khí của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 21-2 công bố thông tin, hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Moscow sẽ được nâng cấp với đạn tên lửa đánh chặn mới 53T6M Nudol với tốc độ ngăn chặn mục tiêu và khả năng cơ động tốt hơn thế hệ đạn tên lửa cũ.

Theo đó, đạn tên lửa 53T6M sẽ được đưa vào trực chiến tại các căn cứ ở ngoại vi Moscow từ cuối năm 2018.

Đạn tên lửa đánh chặn 53T6M là phiên bản nâng cấp của đạn tên lửa 53T6 Nga triển khai trong hệ thống A-135 Amur từ đầu những năm 1980.

Đạn tên lửa mới có kết cấu hai tầng, sử dụng nhiên liệu rắn và được niêm cất trong ống bảo quản đặc biệt. 

Cơ cấu dạng này cho phép giảm thời gian phản ứng của hệ thống và đạn tên lửa có thể sử dụng được ngay trong trường hợp khẩn cấp.

Theo các thông tin được công khai, đạn tên lửa 53T6M chính là một thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới A-235 Nudol của Nga. 

Việc trang bị đạn tên lửa đánh chặn mới 53T6M chính là tiền đề để A-235 thay thế cho hệ thống A-135 hiện nay.

Nga đang phát triển và hoàn thiện các thành phần của hệ thống và đạn tên lửa đánh chặn A-235.

Khác biệt của hệ thống phòng thủ tên lửa mới so với A-135 Amur là việc các thành phần của tổ hợp được đặt trên khung gầm xe dã chiến đặc chủng giúp tăng khả năng cơ động. 

Cùng với đó, đạn tên lửa đánh chặn mới cho phép Nudol đánh chặn các mục tiêu ở tầng cao nhất của khí quyển Trái đất.

Hệ thống A-235 Nudol được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M mạnh mẽ để xử lý thông tin.

Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao 800km.

Tên lửa 58R6 – 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km.

Tất cả chúng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Dmitry Kornev, việc Nga đưa vào trang bị đạn tên lửa 53T6M là động thái hoàn toàn bình thường và không gây ảnh hưởng tới cân bằng cán cân chiến lược. 

Xét về mặt kỹ thuật, đây là dòng vũ khí thuần cho nhiệm vụ phòng thủ và là "hàng phòng vệ cuối cùng" bảo vệ Moscow.

"Đạn tên lửa đánh chặn mới không có khả năng bắn hạ tên lửa của đối phương pha phóng đầu tiên. Nó cũng có khả năng bắn hạ vệ tinh, nhưng chỉ ở khu vực xung quanh Moscow và ở quỹ đạo rất thấp", chuyên gia Dmitry Kornev đánh giá.

Hồi đầu tháng 2-2018, Nga từng thực hiện phóng thử đạn tên lửa 53T6M tại bãi thử Sary-Shagan ở Kazakhstan.

Hiện tại không phải S-500 mà chính A-235 Nudol mới là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Nga khiến Mỹ hết sức lo ngại. 

Chỉ cần số lượng nhỏ đạn tên lửa của hệ thống này có thể làm tê liệt mạng lưới vệ tinh dẫn đường vũ khí của Mỹ.

Trước sức mạnh của hệ thống Nudol, một quan chức Mỹ tỏ ra lo ngại về những tác động tiêu cực cho mình nếu một cuộc xung đột cao giữa hai cường quốc nổ ra.

Với khả năng bay cao đủ tiêu diệt các hệ thống vệ tinh đồng nghĩa với việc làm tê liệt hoàn toàn hoặc phần lớn của hệ thống GPS. Điều này khiến các loại vũ khí tấn công chính xác dẫn đường bằng laser của Mỹ trở nên vô nghĩa.