[ẢNH] Bashar al-Assad, người trụ vững giữa một chiến trường Syria đầy máu lửa

ANTD.VN -  Thay cha lãnh đạo Syria kể từ năm 2000, Tổng thống Syria Bashar al-Assad được coi là một chính trị gia khá đặc biệt hiện nay, ông tiếp tục trụ vững trong cương vị tổng thống thêm một nhiệm kỳ cho dù bất chấp những áp lực quốc tế và tình hình nội chiến không thay đổi.

Theo số liệu thống kê chính thức, 78,66% cử tri Syria đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 26/5/2021. Với 95,1% số phiếu ủng hộ, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.

"Cảm ơn tất cả người dân Syria vì ý thức dân tộc của các bạn. Vì tương lai của trẻ em và thanh thiếu niên Syria, từ ngày mai, chúng ta hãy bắt đầu chiến dịch xây dựng hy vọng, xây dựng đất nước Syria", ông Assad viết trên trang Facebook của chiến dịch tranh cử sau khi giành chiến thắng.

Chiến thắng này giúp ông Bashar al-Assad nắm quyền thêm 7 năm và kéo dài thời gian cầm quyền của gia đình ông lên gần 6 thập niên. Về phần ông Assad nếu không có gì thay đổi sẽ nắm giữa chức vụ đứng đầu Syria liên tục 28 năm.

Xuất thân từ một gia đình chính trị, ông Bashar al-Assad sớm trở thành người kế nhiệm cha mình, lên nắm quyền ở Syria sau cái chết của người cha năm 2000, bất chấp những bất ổn tại đất nước và áp lực từ phương Tây bắt ông từ chức, nhưng ông vẫn đứng vững trong cương vị Tổng thống Syria.

Ông Bashar al-Assad sinh ngày 11 tháng 9 năm 1965 là đương kim tổng thống của Syria và là Bí thư khu vực của nhánh lãnh đạo Syria thuộc Đảng Ba'ath Xã hội Ả Rập. Cha của ông là Hafez al-Assad- người đã lãnh đạo Syria trong 29 năm cho đến khi qua đời vào năm 2000.

Bashar al-Assad thời trẻ luôn mơ ước trở trở thành một bác sĩ. Ông có thể nói thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp và từng công tác tại một bệnh viện ở London.

Cha ông luôn hi vọng người anh trai Bassel al-Assad trở thành vị Tổng thống kế nhiệm nhưng không may Bassel đã chết trong một tai nạn xe hơi năm 1994, sự nghiệp chính trị của Bashar al-Assad đã bắt đầu từ đó.

Chỉ trong 5 năm công tác trong quân đội với vị trí cố vấn cho người cha, Bashar al-Assad đã được thăng lên hàm Đại tá.

Cái chết của cha ông Hafez al-Assad năm 2000 đưa Bashar lên vị trí Tổng thống Syria với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của Quốc hội và quân đội. Tuy nhiên cũng có nhiều người dân không đồng tình với chế độ mà họ coi là độc tài.

Có một chi tiết đáng chú ý rằng khi đó độ tuổi tối thiểu theo hiến pháp có thể trở thành Ứng cử viên Tổng thống là 40 tuổi, nhưng Quốc hội Syria nhanh chóng bỏ phiếu giảm độ tuổi cần thiết để mở đường cho Bashar al-Assad trở thành Tổng thống Syria trong 7 năm.

Năm 2007 ông một lần nữa tái giữ chức Tổng thống Syria với sự ủng hộ của 97% người dân. Nhưng nhiều nhà quan sát lại lo ngại về tính xác thực về tỷ lệ ủng hộ này.

Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Bashar, nền kinh tế Syria đã có những cải thiện nhất định kể từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1990.

Tuy vậy, chính phủ Syria bị cáo buộc tham nhũng khiến đất nước không thể có những bước nhảy vọt rõ rệt. Nhìn chung Syria dưới thời ông Bashar al-Assad không có nhiều khác biệt so với khi cha ông còn nắm quyền.

Trên phương diện ngoại giao, Tổng thống Syria Bashar al-Assad duy trì mối quan hệ quân sự với Lebanon, ủng hộ những tổ chức Hamas hay Hezbollah, có những sự xung đột sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel và những nghi kị nhất định cho phương Tây.

Sự thay đổi chế độ ở những quốc gia trong khu vực như Tunisia, Ai Cập hay Libya dẫn tới làn sóng biểu tình rộng khắp Syria đầu năm 2011. Một số mạng xã hội Facebook, Twitter hay trang video Youtube đều bị chính phủ Syria ngăn cấm

Tháng 5 năm 2011, ông Bashar al-Assad hứa hẹn về một cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2014, tức là sau hai nhiệm kỳ 7 năm ông nắm quyền ở đất nước.

Tuy nhiên những động thái chần chừ của chính phủ sau đó tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ tới mức trở thành cuộc nội chiến dai dẳng kéo dài cho đến nay. Liên đoàn Arab đưa ra tiếng nói yêu cầu ông Bashar al-Assad cần sớm từ chức để đưa đất nước Syria sang một trang mới.

Sau 9 năm nội chiến khốc liệt khiến hơn 400.000 người thiệt mạng và 12 triệu người dân phải đi sơ tán tới các nước láng giềng, và con số vẫn chưa dừng lại ở đây một khi hòa bình chưa được lập lại.

Tình hình càng rối rắm hơn khi khủng bố IS tràn vào lãnh thổ của Syria vào năm 2014. Cuộc chiến ở vào thế chân kiềng khi có tới 3 lực lượng chính tại đây bao gồm quân đội chính phủ được Nga hậu thuẫn, lực lượng đối lập do Mỹ đỡ đầu và khủng bố IS.

Nhiều lần Mỹ và phương Tây ép ông từ chức để mở ra chương mới tại Syria, nhưng cả Nga và ông Assad không đồng thuận.

Hiện tại tuy IS đã bị đánh sập tại Syria, tuy nhiên cục diện chiến trường nơi đây lại chia năm sẻ bảy với lực lượng chính là quân chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga, lực lượng người Kurd do Mỹ đỡ đầu, và lực lượng phiến quân FSA do Thổ Nhĩ Kỳ nâng đỡ.

Tuy bị đánh bật khỏi các thành phố lớn, nhưng tàn binh IS vẫn còn để tạo nên những cuộc đột kích đáng chú ý; các cuộc xung đột giữa lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ đỡ đầu và quân chính phủ vẫn diễn ra dù Mỹ đã dần rút phần lớn lực lượng ra khỏi Syria.

Công bằng mà nói dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Assad, tuy Syria chưa thể thoát khỏi chiến tranh, nhưng ít nhất ông cũng giữ được thế vững chắc của Syria hiện tại dưới sự giúp sức của Nga.

Người Syria dù nhận thấy rằng dù gia đình của Tổng thống Assad đã trị vì đất nước họ suốt nhiều thập niên, và sự lãnh đạo hiện tại chưa phải là hoàn hảo, nhưng trong bối cảnh hiện tại, Assad vẫn là lựa chọn tốt nhất đối với họ sau tất cả những gì đã đang và có thể tiếp tục diễn ra.