Ăn vượt quá nhu cầu, lối sống ít vận động… dễ dẫn tới béo phì, bệnh tim mạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có liên quan đến việc gia tăng các bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường , các bệnh tim mạch … Đó là ý kiến chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và khuyến nghị" diễn ra tại Hà Nội hôm qua, 9/4 .

Nhiều nguyên nhân gây thừa cân béo phì

Các bệnh không lây nhiễm (NCDs) đang gia tăng tại Việt Nam với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thừa cân béo phì (TCBP). Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, chưa đủ bằng chứng kết luận nước giải khát có đường là nguyên nhân gây thừa cân béo phì. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, cân nặng cơ thể tăng có thể do chế độ ăn dư thừa vượt quá nhu cầu; lối sống ít vận động, ít tiêu hao năng lượng; các bệnh rối loạn chuyển hoá trong cơ thể…

Hiện đang có luồng quan điểm gây tranh luận cho rằng tiêu thụ đường liên quan tới TCBP, theo TS. Nguyễn Thị Lâm không có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để kết luận đồ uống có đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thừa cân béo phì tại Việt Nam. Theo số liệu từ Báo cáo an ninh lương thực và dinh dưỡng ASEAN năm 2021, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống, ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51,4% và 15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%), đường chiếm chưa tới 3,6%.

Còn theo khảo sát của Nielsen thực hiện tại Việt Nam năm 2020, lượng đường trung bình trong nước giải khát là khoảng 11g/100 ml, trong khi con số trong các sản phẩm bánh kẹo khoảng 29g/100g, một số loại vượt ngưỡng 40g/100g như kẹo dẻo 46,6g.

Ở góc độ tiêu dùng, TS. Nguyễn Thị Lâm thông tin, mức tiêu thụ thường xuyên bánh kẹo ở học sinh là 51,1% ở thành thị và 56,4% ở nông thôn, trong khi nước ngọt chỉ là 16,1% ở thành thị và 21,6% ở nông thôn.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, cân nặng cơ thể tăng có thể do nhiều nguyên nhân

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, cân nặng cơ thể tăng có thể do nhiều nguyên nhân

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội) nhấn mạnh: chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có liên quan đến việc gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, các bệnh tim mạch và ung thư. Người dân Việt Nam có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và chất béo gồm thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi, thực phẩm đường phố giàu năng lượng và chất béo...

Cần giải pháp đồng bộ ngăn chặn bệnh không lây nhiễm

“Thuế có thể trở thành công cụ tham gia phòng chống các bệnh lây nhiễm hay không?” Về câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp thuế và quản trị doanh nghiệp cho biết, đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt đã được tranh luận tại nhiều diễn đàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát lại lo lắng: “Mức tiêu thụ nước giải khát có đường tại Việt Nam không phải cao so với khu vực cũng như thế giới và có chiều hướng giảm trong các năm gần đây. Nếu người tiêu dùng vẫn tiếp tục tiêu thụ các loại thực phẩm có đường và hàm lượng calorie cao khác, đồng thời thiếu vận động thì công cụ thuế không giải quyết được nạn thừa cân, béo phì mà lại ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất trong nước…”.

Thực tế từ một số quốc gia đã đánh thuế nước giải khát có đường như Chi lê, Ấn Độ, Phần Lan, Bỉ… cho thấy, dù áp dụng thuế nhưng mức độ thừa cân béo phì vẫn gia tăng qua các năm. Tại Hungary, nghiên cứu cho thấy không có thay đổi đáng kể nào về tổng lượng nước tăng lực và đồ uống thể thao bán ra bởi sự thay đổi từ chính sách thuế.

Một số điển hình các quốc gia thành công trong việc kiểm soát thừa cân, béo phì mà không sử dụng công cụ thuế là Nhật Bản, Singapore hay Đức. Mặc dù Nhật Bản có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/ năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5%.

Nhật Bản đã xây dựng hai bộ luật Shuku Iku và Metabo, trong đó quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật này cũng yêu cầu các công ty phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.

Chính phủ Singapore tập trung vào các chính sách tăng cường hoạt động thể chất và dinh dưỡng như Chương trình Bữa ăn lành mạnh tại trường học và Thử thách Bước chân quốc gia. Đức đang áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, áp đặt các hạn chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng; trong đó các biện pháp về truyền thông và khuyến khích cải cách được ước tính là giúp phòng chống hàng nghìn bệnh không lây nhiễm đến năm 2050.

Đồng quan điểm, GS.TS Phan Thị Kim - Chủ tịch Hội Khoa học an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, nếu chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường thì không thể giải quyết được vấn đề thừa cân béo phì. Hơn nữa, trên thị trường có nhiều loại nước uống đường phố chứa đường, nếu đánh thuế với nước giải khát có đường có thể dẫn đến một chính sách mang tính phân biệt giữa đồ uống này với các loại thực phẩm chứa đường hoặc hàm lượng calorie cao khác vốn được biết đến là nguyên nhân của thừa cân béo phì.

TS Phan Thị Kim cho rằng, các giải pháp cần thiết và quan trọng hơn là đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý; khuyến khích lối sống lành mạnh, tăng cường thể lực; khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ giảm lượng đường trong sản phẩm góp phần thay đổi lựa chọn và hành vi tiêu dùng của khách hàng. Giải pháp này đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong việc đa dạng hoá sản phẩm.