Ấn Độ - khách hàng mua vũ khí lớn nhất bất ngờ từ chối mua Mi-17V-5 của Nga

ANTD.VN - Ấn Độ - Khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga bất ngờ thông báo hủy kế hoạch mua trực thăng Mi-17V-5 để thúc đẩy sáng kiến ​​"Make in India".

Nhằm hỗ trợ sáng kiến ​​"Make in India" trong chương trình Quốc phòng của Thủ tướng Narendra Modi, khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga là Ấn Độ đã quyết định hủy bỏ kế hoạch mua thêm 48 máy bay trực thăng Mi-17V-5.

Các nguồn tin chính phủ hàng đầu nói với India Today rằng quyết định rút lại gói thầu 48 máy bay trực thăng được đưa ra trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra và không liên quan gì đến kịch bản toàn cầu, nhưng bây giờ họ mới công bố.

“Gói thầu mua 48 máy bay trực thăng Mi-17V5 đã bị rút lại vì lý do thúc đẩy công nghiệp quốc phòng trong nước. Không quân Ấn Độ (IAF) sẽ hỗ trợ một chương trình bản địa của các nhà sản xuất địa phương”, nguồn tin cho biết.

Ấn Độ đã và đang làm việc mạnh mẽ theo hướng tập trung hóa trong lĩnh vực quốc phòng và đã đình chỉ hoặc hủy bỏ một số lượng lớn các hợp đồng nhập khẩu trong thời gian gần đây. Tuy nhiên việc hủy bỏ thương vụ trực thăng Nga không đơn giản như vậy.

Cần nhắc lại từ năm 2010 đến nay, mẫu trực thăng Mi-17V-5 của Ấn Độ đã gặp ít nhất 7 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến hơn 50 người thiệt mạng. Sự cố mới nhất xảy ra ngày 8/12/2021 khiến Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ - tướng Bipin Rawat thiệt mạng.

Đây được xem là nguyên nhân chủ chốt khiến Ấn Độ quyết định từ bỏ trực thăng Mi-17V-5, ngoài ra lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật CAATSA và việc Nga bị ngắt thanh toán SWIFT cũng là trở ngại không nhỏ.

Tháng 2/2016, Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec (Nga) bàn giao 3 lô cuối cùng của hợp đồng cung cấp 151 chiếc trực thăng Mi-17V-5 cho Ấn Độ. Số máy bay lên thẳng này được sản xuất bởi nhà máy trực thăng Kazan.

Phía Nga cho biết trực thăng Mi-17V-5 cung cấp cho Ấn Độ là một trong những máy bay tiên tiến nhất của dòng Mi-8/17. Máy bay có thiết kế đặc biệt với buồng lái hoàn toàn bằng kính.

Mỗi chiếc đều được trang bị hệ thống điện tử hàng không KNEI-8, cùng 4 màn hình hiển thị đa chức năng thay thế cho bảng điều khiển với dãy đồng hồ cơ học kiểu cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thao tác của phi công.

Mi-17V-5 còn được trang bị động cơ mạnh mẽ hiện đại, giúp nâng cao khả năng vận chuyển hàng hoá nặng và cồng kềnh. Trọng lượng cất cánh tối đa của trực thăng là 13 tấn. Máy bay có thể chở tối đa 36 binh sĩ , chúng đặc biệt phù hợp với vùng núi cao của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, khả năng tương thích với kính nhìn ban đêm cho phép trực thăng đa dụng Mi-17V-5 hoạt động bình thường ngay cả trong điều kiện tầm nhìn kém và đêm tối.

Trực thăng Mi-17V-5 được trang bị tên lửa chống tăng Shturm-V, rocket S-8, pháo 23 mm, súng máy, bom... Số vũ khí này cho phép tấn công xe tăng, xe bọc thép, các mục tiêu trên bộ và nhiều đối tượng khác.

Các bộ phận quan trọng của trực thăng được bảo vệ bằng tấm giáp vững chắc. Thùng nhiên liệu được làm đầy bằng bọt polyurethane để bảo vệ khỏi các vụ nổ.

Tốc độ tối đa của trực thăng Mi-17V-5 là 250 km/h, độ cao lớn nhất mà chiếc máy bay lên thẳng nói trên có thể đạt được là 6.000 m.

Mi-17V-5 có thể được triển khai trong nhiệm vụ vận chuyển quân và vũ khí, hỗ trợ chữa cháy, hộ tống, tuần tra và tìm kiếm cứu nạn. Mi-17V-5 là xương sống của Không quân Ấn Độ, nó cũng thường được sử dụng để đưa đón các nhân vật cấp cao, bao gồm cả Thủ tướng.

Giá mỗi chiếc Mi-17V-5 dao động trong khoảng từ 16,4 đến 18,4 triệu USD, rẻ hơn khá nhiều so với các loại máy bay lên thẳng do Mỹ và châu Âu sản xuất.