20 năm tù nếu đưa “tiền cà phê”

(ANTĐ) - Với tiêu đề “Bạn có thể bị tù tới 20 năm…”, tờ Straits Times mới đây cảnh báo người dân Singapore hãy cẩn thận với hành vi đưa “tiền cà phê” - một hình thức mãi lộ cho cảnh sát trên đường cao tốc biên giới Malaysia, Singapore.

20 năm tù nếu đưa “tiền cà phê”

(ANTĐ) - Với tiêu đề “Bạn có thể bị tù tới 20 năm…”, tờ Straits Times mới đây cảnh báo người dân Singapore hãy cẩn thận với hành vi đưa “tiền cà phê” - một hình thức mãi lộ cho cảnh sát trên đường cao tốc biên giới Malaysia, Singapore.

Cảnh sát Malaysia trên đường tuần tra

Lơ lửng án 20 năm tù

Cũng giống như những con đường cao tốc Bắc - Nam khác, Causeway - đoạn đường nối biên giới Singapore - Malaysia tốc độ hạn chế ở mức 110km/h. Đường đẹp, trong khi ngồi sau vô lăng, máu mê tốc độ lại nổi lên khiến một số lái xe người Singapore thỉnh thoảng “vê” thêm ga. Kết quả là, nhiều người đã quen với cảnh giúi vội 50 ringgit Malaysia (khoảng 15USD) gọi là “tiền cà phê” vào tay lực lượng cảnh sát giao thông Malaysia mỗi khi bị dừng vì vượt quá tốc độ.

Mới đây, tờ Straits Times cảnh báo người dân Singapore nên thận trọng với thói quen này. Với tiêu đề “Bạn có thể bị tù tới 20 năm…”, bài báo cho biết, với hành vi hối lộ, tức là đưa cảnh sát “phí tốc độ”, 8 người Singapore đã bị bắt trong dịp Lễ Phật đản vừa rồi. Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã bắt quả tang 8 người cả nam và nữ khi đưa tiền hối lộ từ 20 đến 110 RM (ringgit Malaysia) để được cho qua các lỗi vi phạm về giao thông.

Một giám đốc thuộc MACC từng phát biểu trên tờ The Star của Malaysia rằng người nào bị kết tội vào tội danh này có thể bị tù tới 20 năm và bị phạt không quá 5 lần tổng số tiền hối lộ hay giới hạn ở mức 10.000 RM dù số tiền đút lót có cao hơn. “Đừng cố gắng đút lót quan chức chính phủ hay các nhân viên thực thi pháp luật bởi Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia luôn chú ý tới những trường hợp kiểu này” - quan chức này nói.

Những giai thoại cuộc sống

Trên diễn đàn về chủ đề “tiền cà phê” của The Strait Times, một người có tên là Chen Wee kể rằng, có một lần anh ta vừa rẽ trái ở Ipoh và chợt nhận ra rằng cảnh sát từ sau một chiếc cây vui vẻ bước ra khi nhìn thấy chiếc ôtô. Có tín hiệu dừng xe mặc dù chạy rất chậm, anh này đã bị cảnh cáo vì sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Đó là điều vô lý nhưng cuối cùng giải pháp được đưa ra là 50 đôla Sing cho “tiền cà phê”.

Luật pháp Malaysia quy định, các lỗi vi phạm giao thông như đỗ dừng sai quy định, sử dụng điện thoại khi lái xe, không dừng khi có tín hiệu đèn đỏ, quá tốc độ, không có giấy phép lái xe… được chia làm 2 dạng chính: lỗi nộp phạt và lỗi phải ra tòa. Thời hạn phải đến triệu tập thường trong vòng 1 tháng. Mức phạt từ 100-300RM. Rất nhiều người đã bỏ ra 20-50 RM tiền lót tay để tiện cả đôi đường, vừa được lòng cảnh sát, vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Cũng là một cách tiết kiệm tiền nhưng anh Albert Tay, người Singapore với vốn kinh nghiệm 10 năm lái xe đưa vợ người Malaysia về thăm quê lại có “mẹo” khác. Theo anh này, 90% “bẫy tốc độ” là hoạt động chui, vì thế không có vé phạt chính thức.

Bản thân Albert Tay bất cứ khi nào bị tuýt còi, anh dừng xe ngay. Trình bày một chút, anh xin nộp vé phạt ở mức “châm chước”, ví như vé 100 RM thay vì 300 RM chẳng hạn ở kho bạc nào gần đó. Vì thế, nếu cảnh sát “lộ” vì không có vé phạt, anh sẽ được vẫy đi luôn, trong khi nếu phải đóng tiền thì cũng không phải lo lắng về hành vi hối lộ.

Lỗi do văn hóa

Nguyên nhân của tình trạng mọi người chấp nhận đưa “tiền cà phê” (người dân Malaysia vẫn gọi là duit kopi) được đổ lỗi cho văn hóa. Một luật sư người Singapore nhớ lại chuyện xảy ra cách đây chừng 10 năm. Một lái xe tải đường dài giao hàng ở Singapore. Hôm đó, chẳng may chiếc xe đâm vào làm vài cành cây lòa xòa rơi vào chiếc xe hơi phía sau.

Trong khi 2 lái xe đang dàn xếp thì cảnh sát giao thông xuất hiện. Cảnh sát nói xe hơi không thiệt hại đáng kể, chủ xe nên báo cơ quan bảo hiểm vì đó không phải là lỗi của anh ta. Người lái xe tải vui mừng và theo thói quen, anh ta đưa vội cho viên cảnh sát 20 đôla Singapore. Trên đường về Malaysia, lái xe tải đã bị bắt giữ tại điểm kiểm tra xuất nhập cảnh vì hành vi hối lộ cảnh sát. May mắn là lái xe này chỉ bị xử phạt nhẹ.

Câu chuyện cho thấy với tay lái xe người Malaysia, do biết ơn viên cảnh sát mà tự nguyện đưa tiền nhưng với viên cảnh sát người Singapore, đó là phạm luật. Sâu xa hơn, đó là cả sự khác biệt về văn hóa. Với Singapore hay nhiều nước có hệ thống luật pháp mạnh, tuân thủ luật là văn hóa, còn ngược lại, với một số bộ phận người dân Malaysia, văn hóa của họ là phạm luật. Thực tế, nhiều người vượt đèn đỏ hay dùng chút tiền mãi lộ cho cảnh sát giao thông mà vẫn không coi đó là hành vi phạm luật.

Gian nan chống tham nhũng

Năm 2005, trong một chiến dịch rất rầm rộ, cảnh sát Malaysia đều phải đeo thêm một huy hiệu trên áo có dòng chữ Saya anti-rasuah (Tôi chống đút lót). Ai không đeo huy hiệu này lên trên tên hiệu của mình sẽ chịu hình thức kỷ luật tương ứng.

Chiến dịch này được phát động cùng với quy định các xe tuần tra lưu động đồng loạt phải dán thêm dòng chữ Hãy báo cáo nếu có tham nhũng. Với hành động này, ngành cảnh sát Malaysia hy vọng công chúng sẽ không tiếp tay cho các hoạt động hối lộ, đút lót.

Gần đây, Cảnh sát giao thông Malaysia đổi mới chiến dịch chống tham nhũng. Bất cứ nhân viên nào khi thi hành nhiệm vụ sẽ được thưởng “nóng” 100 RM nếu họ báo cáo về trường hợp tham nhũng trong bộ máy. Về phía nhân viên chấp pháp, sau khi ghi lại chứng minh thư, họ sẽ hỏi người vi phạm muốn xử lý như thế nào.

Nếu có ý định đưa cho họ ít tiền, họ sẽ ghi lại trường hợp này để báo cáo, kết quả là có thể nhận được khoản tiền thưởng 100 RM, lại được tiếng cảnh sát liêm chính, trung thực.

Tuy nhiên, đây là cuộc chiến được xác định lâu dài và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của việc tiếp tay cho tiền mãi lộ cảnh sát được phân tích một phần là do bộ máy lãnh đạo yếu kém. Người ta đơn giản chỉ miễn cưỡng xử lý những hành vi vi phạm thái quá trong ngành.

Một nguyên nhân quan trọng khác chính là mức lương cảnh sát quá thấp, điều này khiến nhiều người tìm cách “lách” luật. Vì thế, tăng lương cho ngành cảnh sát, tăng trách nhiệm đối với bộ phận lãnh đạo và đơn giản hóa quy trình lập vé phạt nói chung, chắc chắn sẽ giảm được tình trạng này.

Hải Yến

(Tổng hợp)