- Hà Nội: Phát triển kinh tế- xã hội quyết liệt như phòng chống dịch bệnh
- Trong "nguy" có "cơ", doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng vượt qua đại dịch Covid-19
Doanh nghiệp cần khai thác "cơ hội vàng" trong dịch bệnh
Cụ thể, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Dự kiến doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm trên 27.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ ước tính gần 3.800 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài và giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 280.000 tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ.
Tổng số lỗ ước tính trên 26.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến giảm gần 33.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI cũng bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu do giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bộ KH-ĐT đánh giá, doanh nghiệp FDI là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ thị trường tiêu thụ đầu ra, với 61,2% doanh nghiệp và có đến 53,8% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu không xuất khẩu được hàng hóa.
Trước việc Việt Nam kiểm soát rất hiệu quả dịch Covid-19, hạn chế lây lan trong cộng đồng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, niềm tin của các nhà đầu tư, các thị trường vào Việt Nam đang tăng lên. Đây là “cơ hội vàng” để Việt Nam khôi phục kinh tế.
Tuy vậy, ông Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra 3 nguy cơ mà doanh nghiệp phải nhận diện và đối mặt là: trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, đặc biệt các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...
Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giầy, du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, logistics.
Qua nắm bắt tình hình thực tiễn và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp đang rao bán, chuyển nhượng. Bộ KH-ĐT cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có thể sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.
Ngoài ra, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến thay đổi dòng thương mại toàn cầu, làm suy giảm các thị trường mới nổi phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. Sau dịch, các doanh nghiệp FDI lớn có xu hướng chuyển cấu trúc lại hệ thống doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu để chủ động hơn, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.