Trong "nguy" có "cơ", doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng vượt qua đại dịch Covid-19

ANTD.VN - Hơn 86% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 cho thấy tác động ghê gớm của đại dịch này đối với cộng đồng doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, với quan điểm “loài mạnh là loài biết thích nghi tốt nhất”, mỗi doanh nghiệp một cách làm, công cuộc tìm “cơ” trong “nguy” để khôi phục kinh tế đã bắt đầu ngay trong dịch.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khai thác ngay cả khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc

Không bỏ lỡ cơ hội vàng

Ông Trần Đình Hòa - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với gần 700 nhà máy chế biến thủy sản có quy mô công nghiệp và hàng trăm nghìn hộ gia đình, Việt Nam đang đứng top 4 quốc gia sản xuất và cung ứng thủy sản hàng đầu thế giới. Thủy sản xuất khẩu cũng nằm trong top 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước.

“Với phương châm vừa sản xuất, vừa chống dịch, ngành thủy sản phấn đấu không sụt giảm kim ngạch xuất khẩu 8,6 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, bù vào phần xuất khẩu cá tra sụt giảm” - ông Trần Đình Hòa nói.

Theo đại diện VASEP, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đang phục hồi nhanh trong đại dịch Covid-19 do niềm tin của các nhà đầu tư, nhập khẩu, bán lẻ, gia tăng đáng kể thời gian qua. Doanh nghiệp và người dân tin tưởng Chính phủ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nên thả nuôi các loại thủy sản ngay trong thời gian có dịch nhằm đón bắt cơ hội tốt hơn. Đáng chú ý là trong khi các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác còn đang mắc kẹt vì Covid-19 thì Việt Nam đã bắt đầu phục hồi sản xuất.

Ông Trần Đình Hòa cho hay: “Ta phục hồi sớm hơn các nước, chưa kể họ có độ trễ đáng kể sau dịch bệnh, nên trước mắt Việt Nam có thể thay thế nguồn cung thủy sản cho nhiều thị trường trên thế giới. Chuỗi cung ứng thủy sản không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội chủ động hơn. Bên cạnh đó, đang có làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam sau chiến tranh thương mại nên dự báo nhu cầu thủy sản thế giới sẽ tăng lên”.

Doanh nghiệp lạc quan hơn về nền kinh tế

“Cuối tháng 4 đầu tháng 5-2020, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước đây. Một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy”.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Đơn cử như tháng 4 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt hơn 700 triệu USD, cao hơn nhiều so với tháng 3 trước đó dù dịch bệnh vẫn hoành hành. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang “tự mình cứu mình” và kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, tháo gỡ những vướng mắc ở tầm vĩ mô hơn.

Là một trong số ít ngành chịu tổn thất nặng nề nhất do Covid-19 khi giai đoạn đầu dịch bị “đứt cung”, giai đoạn sau của dịch là “đứt cầu”, song các doanh nghiệp dệt may lại xoay xở bằng cách tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng thị trường đang cần như: đồ bảo hộ phòng dịch, khẩu trang… Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay: “Suốt thời gian qua, doanh nghiệp dệt may không phải đóng cửa, dừng sản xuất.

Quý I-2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may Việt Nam chỉ giảm 2%. Tháng 4 giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các nước xuất khẩu dệt may khác trên thế giới sụt giảm khoảng 12%. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng “đứt cung” hồi đầu năm cũng khiến các doanh nghiệp dệt may cơ cấu lại nguồn nguyên liệu sản xuất, chủ động hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước để ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Thực tế cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường chống chọi. Thống kê mới nhất của TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ có 3% doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong quý I-2020, 97% doanh nghiệp còn lại vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. 

Xác định rõ mục tiêu trong khủng hoảng

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành dệt may là chưa từng có, song ông Lê Tiến Trường cho rằng: “Không có nguồn lực nào của Chính phủ đủ để thỏa mãn mọi kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Đã khủng hoảng thì chắc chắc sẽ bị tổn thương, nhưng doanh nghiệp cần xác định mục tiêu để bảo vệ trong khủng hoảng, nhằm giảm tổn thương”.

Theo đó, Vinatex xác định lao động và vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu là 2 mục tiêu cần bảo vệ. Với lao động ngành dệt may, lúc đủ việc thì thu nhập cũng chỉ đảm bảo ở mức trung bình thấp, không có tích lũy, nên đại dịch càng khiến đời sống công nhân khó khăn. Tuy nhiên, tập đoàn xác định nếu cho công nhân nghỉ việc thì sau đại dịch sẽ mất ít nhất 50% lao động, không đủ lực lượng để sản xuất nhanh.

Thế nên Vinatex không chọn phương án cho lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng/tháng của Chính phủ, mà tập trung sản xuất mọi mặt hàng để tận dụng máy móc, vật liệu có sẵn. “Thu nhập thấp so với mặt hàng truyền thống nhưng lao động vẫn được trả lương trên tối thiểu. Bên cạnh đó áp dụng chế độ sản xuất linh hoạt, có việc thì sản xuất 3 ca, không có việc thì nghỉ bù, sản xuất 40 giờ/tuần thay vì 54 giờ/tuần để 100% người lao động được đi làm” - ông Lê Tiến Trường nói.

Về chuỗi cung ứng, Vinatex tổ chức nhanh mặt hàng thị trường cần như trang bị bảo hộ y tế, khẩu trang, công khai chi phí để lao động cùng chia sẻ. Đại diện Vinatex kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn từ tháng 5 đến hết năm 2020, đồng thời mong muốn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sớm được Quốc hội phê chuẩn và có hướng dẫn để doanh nghiệp khai thác cơ hội. 

Theo ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn nên kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về vốn, đơn giản hóa thủ tục cho vay và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. “Các tập đoàn lớn của nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam nên Chính phủ cần có giải pháp đột phá, vượt trội, thu hút đầu tư” - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu ý kiến.

Nắm bắt được khó khăn doanh nghiệp đang trải qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cùng với các Bộ, ngành khác, Bộ Công Thương xác định 4 nhiệm vụ cần triể̉n khai để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là: khơi thông thị trường thông qua thương mại điện tử và hạ tầ̀ng thương mại; rà soát cùng địa phương để̉ tiế̂́p tục hoàn thiện và nâng cấ́p hạ tầ̀ng thương mại, tạo kích cầu lớn hơn, tạo động lực lớn hơn cho tăng truởng phục vụ phát triể̉n thị trường trong nước; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa; cuối cùng là phát triển thông qua gói kích cầ̀u tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầ̀u và tiề̀m năng phát triể̉n, đặc biệt gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.