Yếu tố quyết định cho giao thông đô thị

(ANTĐ) - Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, những thiệt hại to lớn do tình trạng này gây nên gây bức xúc cho người dân Thủ đô và làm đau đầu các nhà quản lý. Cốt lõi của vấn đề ở đâu, giải pháp nào cần được thực hiện, GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã có cuộc trao đổi với Báo ANTĐ.

Yếu tố quyết định cho giao thông đô thị

(ANTĐ) - Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, những thiệt hại to lớn do tình trạng này gây nên gây bức xúc cho người dân Thủ đô và làm đau đầu các nhà quản lý. Cốt lõi của vấn đề ở đâu, giải pháp nào cần được thực hiện, GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã có cuộc trao đổi với Báo ANTĐ.

ùn tắc giao thông trên đường Cầu Giấy
ùn tắc giao thông trên đường Cầu Giấy

- Thưa GS, phải chăng nguyên nhân sâu xa của tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay là do chúng ta chưa có Quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn thành phố?

- Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về việc có hay không một quy hoạch phát triển giao thông của Thủ đô Hà Nội. Tôi xin nói ngay rằng, quy hoạch ấy đã được phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ, nghĩa là cách đây 10 năm. Trong đó, bao gồm những nguyên tắc chung mang tính chủ đạo cho toàn bộ quá trình phát triển. Hơn nữa cũng đã có tuyên ngôn định hướng đó là phát triển giao thông đô thị phải lấy phát triển giao thông công cộng làm trung tâm.

- Để thực hiện quan điểm chiến lược trên, yếu tố nào là quyết định?

- Đó là phải kiến tạo nên một hệ thống hạ tầng giao thông, trước hết là hệ thống đường bộ và đường sắt sao cho tương thích với sự vận hành của các quá trình giao thông công cộng, được thực hiện trên một mạng lưới đồng bộ, liên kết, liên hoàn.

Hệ thống hạ tầng đường bộ bao gồm các quốc lộ hướng tâm, các tuyến vành đai và các hành lang giao thông nội đô cùng các nút giao cắt trọng điểm. Hệ thống hạ tầng đường sắt cũng được hình thành bởi ba yếu tố đó là các tuyến đường sắt quốc gia nối vào hai vành đai đầu mối Tây Bắc và Đông Nam thành phố, từ đó gắn kết với mạng đường sắt đô thị.

- Trên thực tế việc thực thi quy hoạch có gì bất hợp lý?

GS.TS Lã Ngọc Khuê
GS.TS Lã Ngọc Khuê

Thứ nhất, vai trò trụ cột và then chốt của hệ thống đường sắt đã không được làm rõ, không được dồn sức ưu tiên từ giai đoạn đầu nên sau 10 năm đường sắt đô thị vẫn là con số không.

Các công trình đường bộ thì phân tán, dở dang không gắn kết vào mục tiêu trung hạn để có thể phát huy nhanh hiệu quả đầu tư. Đơn cử như, hoàn thành chỉ một cây cầu Thanh Trì thì thành phố đã có thêm một năng lực vượt sông bằng 3 lần cầu Chương Dương.

Như vậy, hoàn toàn có thể lùi thời điểm khởi công cầu Vĩnh Tuy để tập trung nguồn lực xây dựng dứt điểm cầu Thanh Trì cùng vành đai số 3 và khai thông cho được đoạn Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy của vành đai số 1. Nhờ đó việc phân luồng giao thông trên hướng vành đai ngoại vi số 3 cũng như hiện tượng ùn tắc hướng Đông - Tây thành phố sẽ được giải thoát rất nhiều.

- Ngoài những bất cập trên còn có nguy cơ nào ảnh hưởng đến mục tiêu cuối cùng?

- Việc thay đổi một số tuyến của mạng lưới đường sắt đô thị, làm sai hỏng cấu hình hợp lý của toàn hệ thống đã định. Rồi việc vạch lại hướng tuyến của đường sắt đô thị số 2 là một cách làm hoàn toàn không tuân theo đúng 10 chuẩn nguyên tắc định tuyến. Đó chính là nguy cơ làm sai lệch quy hoạch ban đầu mà hậu quả của nó là gây tốn kém cho việc đầu tư, gây chậm trễ cho việc thực thi quy hoạch và phương hại tới toàn bộ tiến trình đạt tới mục tiêu.

- Vậy đâu là giải pháp cần được thực hiện ngay?

- Những dải pháp như cắt xén vỉa hè, đặt thêm rồi lại bóc đi các dải phân cách cứng, phân luồng xe... chỉ là chữa cháy, không đủ sức để giải thoát tình hình. Tình thế hối thúc chúng ta phải nỗ lực thực thi cho được những dự án tình thế có đủ sức xoay chuyển tình hình. Trong đó, cần chia ra các dự án ngắn hạn và trung hạn tùy theo quy mô và tính khả thi.

Trước hết là khai thông nút giao cắt giữa các tuyến phố Tôn Thất Tùng, Lê Trọng Tấn với đường Trường Chinh. Hoàn thành cho được đoạn Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy của vành đai số 1. Nhanh chóng khởi công các dự án đường sắt đô thị vì chỉ có đường sắt đô thị mới đủ sức chuyển tải hết lưu lượng hành khách cần được thông qua. 

Anh Tú (Thực hiện)