Ý tưởng nguy hiểm: Đặt bom hạt nhân B61-12 tại Ba Lan và Ukraine để đáp trả Oreshnik

ANTD.VN - Bom hạt nhân B61-12 hiện diện tại Ba Lan và Ukraine là kịch bản có lẽ khiến Nga phải đặc biệt quan tâm.

Tờ báo Mỹ National Interest (NI) cho biết, Washington đang cân nhắc việc triển khai bom hạt nhân B61-12 trên lãnh thổ Ba Lan hoặc Ukraine để đáp trả việc Nga sử dụng tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik.

Nhà báo Brandon Weichert của tờ NI nhấn mạnh, B61-12 là vũ khí chính của lực lượng răn đe hạt nhân Mỹ, có sức mạnh gấp 24 lần quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ông Weichert cho biết, ý tưởng đặt vũ khí hạt nhân ở Ukraine - quốc gia không phải thành viên NATO là động thái cực kỳ mạo hiểm và thậm chí có vẻ "điên rồ", nhưng khi xét đến diễn biến của cuộc xung đột hiện tại, phương án trên không thể bị loại trừ hoàn toàn.

Một lựa chọn thay thế Ukraine sẽ là Ba Lan, khi Warsaw là thành viên chính thức của liên minh tham gia chương trình trao đổi vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên bước đi trên vẫn sẽ làm tình hình thêm bất ổn và làm giảm cơ hội giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Cần nhấn mạnh, trước đó vào ngày 21/11/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik thế hệ mới trong điều kiện chiến đấu.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, tên lửa Oreshnik được sử dụng để đáp trả việc Ukraine bắn tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp vào lãnh thổ nước này.

Tiếp theo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng rằng tín hiệu từ cuộc thử nghiệm tên lửa Oreshnik mà nước này gửi đi sẽ được Mỹ và NATO lắng nghe với thái độ nghiêm túc.

Mặc dù vậy, để đáp trả bước đi của Nga, Mỹ hoàn toàn có thể đẩy nhanh việc triển khai bom hạt nhân B61-12 tại các căn cứ của NATO ở châu Âu, đây là viễn cảnh Moskva phải đặc biệt đề phòng.

B61 là loại bom nhiệt hạch chiến thuật do Mỹ phát triển vào thập niên 1960, nó được thiết kế để trang bị cho nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau, bao gồm cả tiêm kích chiến thuật và oanh tạc cơ chiến lược.

Điểm nổi bật của bom B61 đó là thiết kế module, cho phép điều chỉnh mang theo đầu đạn công suất trong khoảng 0,3 - 340 kT. Bom được trang bị hệ thống dẫn đường tinh vi, mang lại độ chính xác, với vòng tròn sai số (RCS) chỉ trong khoảng dưới 30 m.

Phiên bản nâng cấp B61-12 đã hạ thấp chỉ số RCS xuống 10 m và tương thích với những chiến đấu cơ hiện đại như F-35, điều này khiến nó giữ vai trò quan trọng trong kho vũ khí hạt nhân của NATO, mang lại khả năng răn đe cả chiến lược và chiến thuật.

Quả bom hạt nhân chiến thuật nói trên hiện được triển khai với số lượng đáng kể tại các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nhiều quốc gia đồng minh, ngay cả tại châu Âu.

Theo Tư lệnh lực lượng phòng không thuộc Bộ chỉ huy Đặc nhiệm Không quân Nga - Đại tá Sergei Khatylev, sự kết hợp giữa bom hạt nhân B61-12 với tiêm kích F-35B là cực kỳ nguy hiểm, bởi Moskva chưa có khả năng ngăn chặn từ xa một cách hiệu quả.

Tiêm kích F-35B có thể bí mật mang bom B61-12 và cất cánh từ những sân bay dã chiến sát biên giới, chúng sẽ tận dụng khả năng tàng hình của mình để xâm nhập sâu vào lãnh thổ Nga, tại những hướng mà phòng không tương đối yếu.

Đứng trước "cặp bài trùng" nói trên của Mỹ, Nga cần nhanh chóng có đối sách phù hợp, bởi số lượng tên lửa Oreshnik của Moskva còn quá thấp để mang tới khả năng răn đe tương xứng.