Y tế trường học: Kỳ vọng nhiều, thực hiện ít

ANTĐ - Lồng ghép vào y tế trường học có nhiều hạng mục như phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục sức khỏe sinh sản, bảo vệ môi trường... Câu hỏi là với kinh phí hạn hẹp, đội ngũ nhân viên kiêm nhiệm liệu nhà trường thực hiện được bao nhiêu?


Trường chuẩn cũng phải kiêm nhiệm

Yêu cầu được đặt ra với một nhân viên y tế trường học bao gồm rất nhiều chức năng nhiệm vụ như sơ cứu, xử lý tại chỗ cho học sinh như nóng sốt, cảm nắng, ngừng thở, ngừng tim, các thương tích tai nạn v.v... Nhân viên y tế cũng phải quản lý sổ y bạ  của học sinh, thống kê để kiểm soát các bệnh học đường thường gặp qua kết quả khám định kỳ hàng năm của học sinh như tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, béo phì, bệnh răng miệng, suy dinh dưỡng, rối nhiễu tâm lý... Chưa hết, một nhân viên y tế của một trường tiểu học của Hà Nội cho biết, họ phải tham gia công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa bán trú của học sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống tai nạn thương tích, dịch bệnh và kiêm cả tư vấn tâm lý...

Với từng đấy đầu việc, nhưng hầu hết các trường đều bắt buộc nhân viên y tế kiêm nhiệm thêm các công việc hành chính khác. Ông Nguyễn Hữu Phát, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Hà Nội cho biết, chỉ có những trường đạt chuẩn quốc gia loại cấp 2 thì nhân viên y tế mới không phải kiêm nhiệm, còn từ cấp 1 trở xuống đều phải phụ trách thêm công việc khác như giảng dạy hay làm văn phòng, hành chính.

Việc nhiều nhưng lương thấp

Trong khi trách nhiệm của nhân viên y tế trường học ngày càng nặng nề thì mức lương lại không tương xứng với công việc tại trường. Theo bà Lê Thị Việt An, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD - ĐT Phú Thọ, hiện nay có tới 70% cán bộ y tế của tỉnh phải kiêm nhiệm. Trong khi đó, vì biên chế hạn hẹp đa số chỉ được ký hợp đồng lao động nên thu nhập rất thấp. “Khó có thể chuyên tâm vào việc chăm lo sức khỏe cho hàng trăm có khi là cả nghìn học sinh khi mà cán bộ y tế phải kiêm nhiệm nhiều việc còn đồng lương thì không đủ sống”, bà Lê Thị Việt An cho biết. Cùng công tác trong trường học nhưng giáo viên ngoài lương có phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp còn cán bộ y tế công tác trong trường học chỉ có lương. Trong khi mức lương tính theo trình độ trung cấp, nguồn thu nhập duy nhất của nhân viên y tế là lương cơ bản nhân với hệ số 1,86 tức là gần 1,5 triệu đồng/tháng.

Một thực tế là số lượng cán bộ y tế trường học được vào biên chế chỉ chiếm một phần nhỏ. Ngay ở Hà Nội, cũng có tới gần 1.000 cán bộ y tế mới chỉ là lao động hợp đồng. Với những người ký hợp đồng thì mức thu nhập không những thấp hơn mà còn không ổn định. Nhiều cán bộ y tế trường học hoàn toàn không được hưởng lương trong 3 tháng học sinh nghỉ hè.

Thiếu trầm trọng nguồn tuyển

Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện nay còn thiếu 309 cán bộ y tế chuyên trách trong các trường dân lập, tư thục; các trường mầm non nội thành rất khó tuyển cán bộ y tế trường học do lương thấp và không có phụ cấp ưu đãi. Theo ông Đỗ Anh Xô, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, năm học 2011-2012 toàn tỉnh tuyển được 518 cán bộ y tế trường học dẫn tới nhiều trường của Nam Định chưa có cán bộ y tế hoặc là giáo viên kiêm nhiệm.

Về tình trạng này, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, đội ngũ cán bộ y tế trường học chưa có chế độ đãi ngộ đúng mức nên chưa yên tâm công tác, vì vậy chưa thu hút được người giỏi trong lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế trong tuyển cán bộ y tế. “Bộ Y tế sẽ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời cùng với Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế chính sách sử dụng nhân lực phù hợp nhằm khuyến khích động viên cán bộ y tế trường học gắn bó lâu dài với nghề”- bà Xuyên cho biết.