- Ra mắt 60 tác phẩm nghệ thuật về loài gà
- Những sự kiện hấp dẫn ngày chủ nhật 15-1
- Hội chợ "Tết Việt 2017"
Hình tượng gà trong tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ phủ, thường được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh. Vậy nên tranh gà có nhiều góc cạnh triết lý nhân sinh được bày tỏ qua những câu chuyện kể mang ý nghĩa giáo dục, văn hóa cộng đồng sâu sắc.
Những nội dung tranh gà dân gian rất phong phú nhưng đều mang những chủ đề chính như: “Con gà trống gáy sáng”, “Đại cát”, “Nghênh xuân”, “Gà mẹ gà con”, “Gà đàn”, hoặc mở rộng hơn khi hình ảnh gà gắn với thiên nhiên, con người như “Kê cúc” (gà trống bên cây cúc), “Gà trống hoa hồng”, “Gà thư hùng”, “Vinh hoa” (Bé trai ôm gà trống), “Chọi gà”…
Lời chúc tốt lành
“Đại cát” với hình ảnh chú gà trống oai phong, hùng dũng biểu thị cho sự mạnh mẽ, thịnh vượng, khai sáng là tác phẩm dân gian đậm chất Tết cao sang quyền quý. Trong tiếng Hán chữ “Đại kê” (gà trống) gần âm với chữ “Đại cát”.
Đây cũng là nội dung của một quẻ tốt nhất cho một công việc hay dự báo về tương lai của con người. Do đó, bức tranh ẩn chứa nội dung chúc Tết tốt lành cho người chơi tranh hay được tặng tranh. Hình tượng gà trống uy nghi ẩn chứa những yếu tố siêu việt của người quân tử. Đó là tính Văn (mào đỏ tựa cánh chuồn); tính Võ (cựa gà, vũ khí sẵn sàng vào trận); tính Dũng (hiên ngang không sợ địch thủ); tính Nhân (kiếm ăn theo đàn và nhường nhịn cho gà con); tính Tín (gáy chính xác giờ mặt trời mọc).
Hình tượng và màu sắc của chú gà trống sinh động, tràn đầy sức sống. Chiếc đuôi mở ra tung bay trước gió; đôi cánh mở ra cùng hàng lông sắc tựa lưỡi kiếm; cùng với đầu ức mỡ màng trong màu vàng ấm giàu sức mạnh của đấng nam nhi kiên cường.
Trong bộ tranh gà, người ta còn thích treo bức “Gà mẹ con”, với khổ hình chữ nhật nằm ngang. Gà mẹ và mười chú gà con xúm xít ấm cúng, mỗi chú gà con một vẻ khác nhau. Con thì đang rỉa lông, rỉa cánh, hoặc có con đang nằm trên lưng mẹ. Lại có con dỏng cổ lên theo hướng mồi mà mẹ gọi cho… Tông màu nóng (đỏ vàng) làm cho đàn gà thêm sáng bừng trong màu nắng. Đó là câu chuyện con đàn cháu đống, gia đình ấm cúng thương yêu nhau như gà cùng một mẹ, mang ý nghĩa triết lý sâu xa.
Kỹ thuật hội họa sinh động
Nếu tranh gà Đông Hồ sáng bừng trên giấy điệp thì tranh gà của làng Kim Hoàng, ở Hoài Đức, Hà Nội lại rực rỡ trên giấy đỏ, hay màu hồng điều. Đó là đặc trưng của làng tranh Kim Hoàng, với thể “tranh đỏ”. Do đó, nét vẽ gà cách điệu, kết hợp với kỹ thuật vờn màu của dòng tranh hàng Trống, gây ra cảm giác như âm thanh vang lên từ đôi cánh gà vỗ chào đón mặt trời.
Theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên, bức tranh “Chọi gà” mang chất sinh hoạt cộng đồng kỳ thú hay được dùng trong các lễ hội, nhất là lúc xuân về. Bức tranh “Chọi gà” chứa đựng những yếu tố kỹ thuật hội họa sinh động. Tiêu chuẩn của một chú gà chọi phải thể hiện đầy đủ các yếu tố sức mạnh tiềm tàng, gọi là Ngũ Thường: mỏ to thẳng, miệng rộng; đầu mồng dâu; mắt chữ điền; cổ to, dài, thẳng; lưng rộng, cánh dài. Đùi to, phần đùi dài hơn phần cán. Chân thanh, ngón thắt, vảy mỏng-khô.
Các nghệ nhân xưa đã đưa được những tiêu chuẩn này lên bức họa hai con gà trống nhìn thẳng vào đối thủ, chuẩn bị vào cuộc đấu. Tuy nhiên, nhìn dáng dấp và khí thế khi vào cuộc hai chú gà có ý thách đấu nhưng vẫn để lại một cảm giác giải trí, hiền hòa, không cay cú ăn thua. Cả hai lấy vẻ đẹp của một tinh thần thượng võ làm cốt cách của trang quân tử khi giao đấu. Bức tranh tạo nên vẻ đẹp đối xứng và một nhịp điệu bay bổng của cuộc tỉ thí trong lễ hội. Vì thế mà “Chọi gà” gây ấn tượng với sắc màu trầm gợi sự giao hòa, tương thân tương ái hơn là cuộc đấu mang tính sống còn trong các trường gà lừa lọc.
Hình tượng con gà đã đi vào đời sống văn hóa và tâm linh của dân tộc nước ta. Các dòng tranh dân gian đã mô phỏng vẻ đẹp quyến rũ nhất của hình ảnh con gà. Gà trống biểu tượng cho dũng khí và sức mạnh của đấng nam nhi, còn những con gà mái và gà tơ đã gợi lên nét đẹp mỹ miều của người con gái đến tuổi dậy thì. Tất cả góp phần tạo nên không khí rộn ràng của lễ hội làng quê và sắc màu tươi trong cho mỗi gia đình, khi mùa xuân đến.