Xung quanh Nghị định 105/CP: Dấu hỏi về tính khả thi

ANTĐ - Nghị định về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức từ trần vừa được ban hành, thay thế Nghị định 62 năm 2001. Tuy nhiên, ngay sau khi được Bộ VH-TT&DL công bố, đã có rất nhiều ý kiến xung quanh một số điều khoản được cho là thiếu khả thi. Mới đây nhất, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị xem lại quy định “không dùng ô cửa có lắp kính trên quan tài”. 

Sau những tranh cãi, nên bàn đến tính khả thi của các quy định liên quan đến tang lễ

Soạn thảo đúng quy trình

Đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới quy định áo quan không được để ô kính để xem mặt người quá cố trong lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, ý kiến đa phần của người dân và  các nhà văn hóa, nhà xã hội học… đều kịch liệt phản đối quy định trên. Thậm chí, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư Pháp qua xem xét, nhận thấy một số nội dung trong Nghị định cần được trao đổi, nghiên cứu tiếp, nhất là khoản 3, điều 4 nghị định quy định “linh cữu của người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”. Cục đã có văn bản đề nghị xem lại quy định này. Bên cạnh đó, Cục cũng cho rằng trong Nghị định 105 còn một số hạn chế cần xem xét lại.

Trước những thông tin nêu trên, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Chí Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VH-TT&DL, Tổ trưởng Tổ Biên soạn Ban soạn thảo Nghị định 105/CP. Ông Hùng cho biết, đến chiều 14-1-2013 ông vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Bộ Tư pháp. Ông Hùng khẳng định, toàn bộ quy trình thực hiện, ban hành Nghị định trên được thực hiện cẩn trọng, đầy đủ. Theo đó, khi hoàn thiện Nghị định đã đăng tải 60 ngày trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Website Bộ VH-TT&DL, tổng cộng chỉ nhận được 9 ý kiến phản hồi. Trong đó, ngoài một vài góp ý nhỏ, cơ bản đều đồng ý với nội dung Nghị định mà ban soạn thảo đưa ra. Sau 3 lần trình Chính phủ xem xét, hoàn thiện, thậm chí, trước khi được ban hành, Nghị định này đã được Bộ Tư pháp xem xét thẩm định đến 2 lần. Như vậy đến thời điểm này, Bộ Tư pháp cho rằng kỹ thuật soạn thảo văn bản trong Nghị định 105 còn một số hạn chế cần xem xét lại là không thỏa đáng. Hơn nữa, chính Vụ Pháp luật hình sự - hành chính là đơn vị thẩm định, ký vào biên bản trả lời. 

Mới chỉ dừng ở mức vận động

Về tính khả thi của Nghị định, ông Hùng cho biết: “Nghị định 105 ra đời với mục tiêu định hướng, tuyên truyền, vận động là chính. Đối tượng hướng đến là các cán bộ viên chức Nhà nước theo tinh thần của cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, Nghị định không đưa ra quy định cấm mà chỉ tuyên truyền, định hướng. Người dân không nên hiểu sai nội dung của Nghị định”. Tuy nhiên, chia sẻ về những ý kiến phản đối xung quanh Nghị định 105, ông cũng nhấn mạnh: “Là thành viên Ban soạn thảo Nghị định 105, tôi cho rằng đem yếu tố tâm linh ra để phản đối nội dung “không dùng cửa kính trên quan tài” là không đúng. Hầu như phần lớn các vùng sâu, vùng xa, nông thôn không hề có chuyện quan tài để nắp kính.

Quan niệm của nước ta từ xưa đến nay đều cho rằng người thân muốn nhìn mặt người đã khuất phải trước khi đóng quan. Việc để kính trên nắp quan tài chỉ xuất hiện hơn chục năm trở lại đây. Trên thế giới cũng không nơi nào có lệ để kính trên nắp quan tài”. Ông cũng cho rằng, việc yêu cầu không dùng kính trên nắp quan tài là thiết thực, nên làm vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo yếu tố tâm linh. Về việc quy định chỉ có 7 vòng hoa, Ban Soạn thảo cũng đã tính toán kỹ, mỗi đám tang cán bộ có vị trí cao, có khoảng 200 vòng hoa. Số tiền lãng phí đã lên tới hàng chục triệu đồng mà sau đấy còn gây ô nhiễm môi trường.

Nghị định 105 vừa ban hành và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 2-2013 so với Nghị định 62 chỉ điều chỉnh 2 điều và mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở, dần dần từng bước bỏ những vi phạm đó. Nghị định mới này không ban hành quy chế xử phạt hành chính, nhưng thiết nghĩ, có những quy định rất đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Cứ thử nghĩ, một đám tang với hàng trăm vòng hoa sẽ gây lãng phí và ô nhiễm như thế nào. Hạn chế là nên làm nhưng các cấp quản lý nên nghĩ đến cách thực hiện. Đừng để Nghị định ban hành chỉ là để đấy, không có tính khả thi.