Xúc động chuyện những “cậu bé” tuổi 60 khóc mẹ

ANTĐ - Trong một cuộc nhậu đầy nụ cười và “nước mắt hạnh phúc”, tôi mới hiểu được câu nói: “Trong con mắt của người mẹ tuổi 80, cậu con trai đã ngoài 60 tuổi vẫn là… con nít”.

Trời mưa. Lạnh như có người lấy kim chọc vào da thịt. Mấy “gã” dở người ngồi uống bia… cho mát ruột, mát gan. Quán khá đông. Chứng tỏ số "kẻ dở người" giờ không hề hiếm!

Co ro giữa cái gió lồng lộng ven hồ Trúc Bạch, gã trai tuổi 30 luồn cả hai tay vào đùi, xuýt xoa. Tựa hồ như nếu không giữ chặt, một số thứ của gã quanh đấy sẽ rụng khỏi thân vì lạnh. Gã tuổi 40 có vẻ phong trần hơn, ngồi chém gió phần phật, ra cái điều lên mặt với gã tuổi 30: “Gió lạnh kiểu này... chuyện nhỏ”.

Ở đời, cha, mẹ cõng con...

Bỗng chuông điện thoại của “gã” tuổi 60 – Hoạ sĩ N.V.C réo vang. Cuống quýt rút máy, giọng lão hoạ sĩ như cậu học trò biết lỗi:

- A lô! Mẹ à? Vâng con về, con về!

Nhấc vội cốc bia vàng óng đang sủi những giọt lạnh lẽo, “gã” bảo: “Mời anh em nốt cốc này. Mẹ mình gọi rồi”…

Mới nghe đến thế, “gã” ngoài 50 – Hoạ sĩ X.M đã rơm rớm nước mắt. “Anh là người đại phúc. Ở tuổi anh rồi mà còn có mẹ lo lắng, gọi về mỗi khi đi nhậu thì đại phúc. Anh phải về… Anh làm thế mới là đại hiếu”. Nói đến đấy thì “gã” khóc thật. Trong tiếng khóc nghẹn dằn vặt, “gã” tự nhận đã từng làm mẹ buồn. Giờ hiểu ra, cuộc sống cũng dư dả hơn thì mẹ đã đi xa rồi, muốn báo hiếu cũng chả được. Thế nên thấy người hơn mình gần chục tuổi mà vẫn được mẹ gọi về thì không sao kìm được cảm xúc…

Mấy khi con cõng được mẹ.
(Ảnh internet: Con cõng mẹ đi chùa)

Lại một cuộc điện thoại của người mẹ già đã ngoài 80. Lão hoạ sĩ N.V.C lại cuống quýt "a lô, con về", rồi đứng dậy. Lại những giọt bia vàng óng biến mất khỏi chiếc cốc thuỷ tinh cáu bẩn…

Thấy “gã” tuổi 30 ngơ ngác như lạc vào xứ sở chuyện cổ tích, lão hoạ sĩ N.V.C, nán lại giải thích: “Không sao đâu, mẹ mình còn khoẻ nên mới gọi điện được liên tục như thế. Chỉ sợ một ngày nào đó bỗng nhiên không gọi được nữa thì tức là “có chuyện rồi”. Nhà hiện chỉ có 2 mẹ con ở cùng nhau. Mình chăm sóc chu đáo, nhưng cũng chả nghĩa lý gì với tình thương của mẹ. Mẹ vẫn lo... mình hư nên mới gọi điện giục về thôi”.

Cuộc nhậu bất ngờ tan. Bia hơi Hà Nội vẫn thế mà sao đắng ngắt…

Như chiếc lò xo bị nén hết cỡ, vừa leo lên ô tô, hoạ sĩ X.M khóc tướng lên. “Anh rất thèm cảm giác làm trẻ thơ, được mẹ gọi về như thế. Nhưng giờ muốn cũng không được nữa rồi…”. Gã tuổi 40 lặng im chả biết nói gì...

Bỗng. Hàng ghế sau, “gã” tuổi 30 bỗng giọng oang oang, chả chút í tứ gì, chả khác gì lúc gã dùng răng ngoéo cái nút chai rượu trước mặt các "đại cao thủ" mà "tuổi uống rượu, bia" còn nhiều hơn tuổi 30 của gã:

- A lô. Mẹ à? Tết này con không viết chữ ở Văn Miếu, cả nhà con sẽ về quê sớm ăn tết mẹ nhé.

Có vẻ tự nhận thấy sự vô duyên của mình, “gã” tuổi 30 lý giải với hoạ sĩ X.M: “Một vụ viết chữ ở Văn Miếu Tết, cháu kiếm được mấy chục triệu đồng đấy. Nhưng nghe chú khóc khi nhắc về mẹ làm cháu cũng động lòng. Nhà cháu đang có chuyện buồn, cháu sẽ bỏ viết chữ Tết này để đưa vợ con về ăn Tết với mẹ. Cảm ơn câu chuyện và những giọt nước mắt xúc động của chú”.

*****

Thương quá Mẹ ơi...

Trong cuộc sống, khi đang hưởng hạnh phúc thì rất ít người tự mình cảm nhận và gìn giữ được điều đó. Đến khi hạnh phúc đã đi qua mới tiếc nuối, ân hận thì đã muộn màng. Cũng thế, khi còn cha mẹ trên đời, chúng ta thường ít quan tâm đến sự hiện diện của cha mẹ, cũng ít người nhận ra rằng còn cha mẹ là một hạnh phúc to lớn trong cuộc đời. Đến khi cha mẹ lìa đời, nhiều người mới choàng tỉnh, khóc than thì cha, mẹ đã vĩnh viễn một đi không trở lại. Bởi thế, nếu biết yêu kính cha mẹ, là người con có hiếu, hãy dành những lời nói, việc làm tốt nhất cho cha mẹ kính yêu ngay khi mẹ cha còn sống.

Từ hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã dạy đại ý rằng: “Có hai người không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ”.

Lời dạy mới thấm thía làm sao!