Xuất khẩu văn chương Việt: Không đi thì sẽ chẳng có đường

ANTĐ - Lần đầu tiên, một công ty sách là Chibooks đã đứng ra ký bản quyền với 10 nhà văn, nhằm chào bán khoảng hơn 100 tác phẩm của họ ra nước ngoài. Cùng với việc ký kết, Chibooks còn vạch lộ trình “chào hàng” từng bước trong khoảng thời gian từ 8-10 năm. Trong khi xuất bản sách trong nước còn gặp đủ mọi khó khăn, xuất bản sách ra thế giới còn chưa có tiền lệ, thì việc làm này được xem như bước đi đầy liều lĩnh.

“Cái khó bó cái khôn”

Thế giới mới chỉ biết đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh

Trước Chibooks, đã từng có nhiều đơn vị, nhiều NXB nghĩ tới việc xuất khẩu văn chương, song vì “cái khó bó cái khôn”, tỷ lệ thành công cho đến giờ vẫn chưa như mong đợi. Vài năm trước, nhìn thấy cơ hội xuất khẩu từ các hội chợ sách lớn trên thế giới, Cục Xuất bản đã xây dựng cả một Đề án tham gia Hội chợ sách và mỗi năm nhà nước cấp 1 tỷ đồng cho các hoạt động này.

Tuy nhiên, số tiền chỉ đủ để phục vụ công tác thông tin đối ngoại, trưng bày sách tại các hội chợ, phát hành cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tại nước ngoài mà thôi. Trong khi nhiều quốc gia coi các hội chợ sách quốc tế là “cơ hội vàng” để giao thương, thăm dò thị trường, ký kết hợp đồng bản quyền thì chúng ta vẫn cứ lặng lẽ đứng ngoài cuộc chơi. Ngoài cuộc hay nói đúng hơn là không dám nhập cuộc, vì thứ nhất không phải NXB nào trong nước cũng đủ tiềm lực để vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, khi mà thuê một gian hàng nhỏ ở hội chợ sách Frankfurt cũng đã có giá cả chục nghìn USD.

Số tiền này có khi còn nhiều hơn số vốn các NXB hiện có. Đã từng có một vài NXB chịu chơi, bỏ tiền tham gia chợ sách quốc tế, nhưng đâu cũng chỉ được một, hai lần, sau tự nguyện “đầu hàng” vì không có hợp đồng nào được ký kết. Mang sách đi đã tốn một khoản lớn phí vận chuyển, sách ế không lẽ mang về, lại cũng phải mất phí. Đành phải gửi lại ở những nơi quen thân cho… nhẹ nợ.

Kim Đồng là một trong những nhà xuất bản đi đầu trong việc xuất khẩu văn chương. Nhiều đầu sách, chủ yếu là chuyện cổ tích được dịch và in song ngữ Việt - Anh, Việt - Pháp, lượng độc giả mà NXB này nhắm tới mới chỉ là con em người Việt ở nước ngoài. NXB Trẻ cũng là đơn vị hăng hái trong việc tìm kiếm thị trường mới với việc phát hành  “1.000 bản tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần với tên gọi “Open the window, eyes closed” ra thị trường thế giới và trên các trang mua bán trực tuyến amazon.com hay barnesandnoble.com. Tuy nhiên, đây mới chỉ là việc làm mang tính nhỏ lẻ của từng NXB mà thôi.

Khó nhưng vẫn muốn thử nghiệm

Đa số ý kiến của những nhà văn, nhà dịch thuật khẳng định rằng, thế giới không biết về văn học đương đại Việt Nam là do chúng ta chưa có một tác phẩm văn học đủ gây tiếng vang, chưa có một đội ngũ dịch thuật đủ sắc sảo. Muốn xuất khẩu văn chương thì điều quan trọng nhất là phải nhận biết được thực trạng văn học Việt và vị trí trên bản đồ văn học thế giới. Mới đây, đã có một số tác phẩm văn học hiện đại được dịch và in ở nước ngoài, nhưng đó chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc, gây tiếng vang mà chỉ đơn giản là do mối quan hệ của tác giả, hay cơ duyên tình cờ nào đó mà thôi. Hội Nhà văn Việt Nam từng nhiều lần trải thảm đỏ mời dịch thuật, cũng từng dịch và giới thiệu một số tác phẩm văn học ra nước ngoài. Nhưng để xuất khẩu được văn chương, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng hơn chứ không phải sự nỗ lực kiểu “đơn thương độc mã” của một hội nghề nghiệp.

Thêm nữa, cái mà chúng ta  thiếu còn là một chủ trương đồng bộ từ việc Nhà nước hỗ trợ thế nào, các NXB thực hiện làm sao cũng như chế độ đãi ngộ với đội ngũ dịch thuật… Ở Hàn Quốc có cả một Quỹ Dịch văn học Hàn Quốc ra tiếng nước ngoài. Hay như Ba Lan, cứ 2-3 năm lại tổ chức một cuộc hội thảo quy tụ hàng nghìn dịch giả khắp đất nước về tham dự để đánh giá công lao, giúp cho những người dịch hoạt động tốt. 

Dự án vừa mới khởi động của Chibooks dù có bị nghi ngờ về xác suất thành công, nhưng người trong cuộc - Dịch giả Nguyễn Lệ Chi lại rất lạc quan. Nhận định về dự án xuất khẩu văn chương này, nhà văn Dương Bình Nguyên cho rằng: “Không có gì mạo hiểm cả, tôi chỉ thấy là trước mắt nó không mang lại lợi nhuận nào đáng kể cho Chibooks. Văn học Việt Nam nhiều khi là “bản đồ trắng” trong thị trường sách của nhiều nước. Nhưng  chúng ta nên chấp nhận bước khởi đầu khó khăn này. Không đi thì sẽ chẳng có đường”.

Chibooks ký kết hợp đồng với 10 tác giả được đánh giá là có tác phẩm ăn khách tại Việt Nam gồm: Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Bùi Anh Tấn, Dương Bình Nguyên, Trần Thu Trang, Hồ Anh Thái, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nội dung của hợp đồng ký kết là Chibooks nhận trách nhiệm tìm thị trường tiêu thụ cho các tác phẩm của các tác giả kể trên. Bên cạnh đó, Chibooks cũng sẽ đầu tư cho việc quảng bá thông tin và PR cho các tác giả tại nhiều quốc gia. Ngược lại Chibooks  nhận 10% giá trị hợp đồng bán bản quyền của mỗi tác phẩm.