- Hàng dệt may Việt Nam có thể bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Indonesia
- Ưu tiên phát triển ngành điện tử, dệt may, da giày… ở trung du và miền núi phía Bắc
|
Xuất khẩu dệt may khởi sắc |
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 10-2024 đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 24,26% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; kim ngạch xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; kim ngạch xuất khẩu vải ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%...
Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam về cuối năm tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.
Đáng chú ý, những thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may.
Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may.
Chủ tịch Vitas cho hay, sản phẩm dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm tới sẽ mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường. Ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Xuất khẩu dệt may năm 2024 có thể đạt 44 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2023.
Tuy nhiên, ngành dệt may còn đứng trước nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khắt khe hơn từ nhà mua hàng tại thị trường EU, Mỹ... Cùng với đó là xu thế phát triển xanh, bền vững, số hoá... khiến các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ để thích ứng, đón nhận các cơ hội từ thị trường.
Từ nay đến cuối năm là dịp cao điểm mua sắm, các doanh nghiệp dệt may đưa ra các giải pháp như: đa dạng hoá đối tượng khách hàng và mặt hàng, nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mới về chất liệu, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác.
Đại diện các doanh nghiệp dệt may lớn đều nhận định, đơn hàng hiện đã khả quan hơn và doanh nghiệp có thể đạt kế hoạch năm 2024.
Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu dệt may 10 tháng vừa qua có sự phục hồi là do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.
Bên cạnh đó, trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ còn cải thiện hơn nữa.
Tuy vậy, ngành dệt may trong nước vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh lớn khi xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường CPTPP.
Các doanh nghiệp cần cẩn trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát kế hoạch để có thể hoàn thành mục tiêu và tiếp tục xu hướng phát triển vào năm 2025 và những năm tới.