Các ngân hàng cho vay 14,8 triệu tỷ đồng, huy động được bao nhiêu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến cuối tháng 9, tiền gửi tại 29 ngân hàng thương mại (không tính Agribank) tăng 7,2% so với đầu năm, đạt gần 10,8 triệu tỷ đồng. Trong khi dư nợ tín dụng tăng 9%, đạt khoảng 14,8 triệu tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 được 29 ngân hàng công bố (không bao gồm Agribank) cho thấy, tổng tài sản của các ngân hàng này đạt hơn 16,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2023.

Trong đó, BIDV tiếp tục duy trì vị trí quán quân về tổng tài sản với 2,57 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Vietinbank xếp thứ 2 với gần 2,23 triệu tỷ đồng tài sản, tăng 9,7%. Tiếp đến là Vietcombank 1,93 triệu tỷ đồng, tăng 5%. Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III nhưng theo số liệu từ báo cáo bán niên, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 2,08 triệu tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phần, MB tiếp tục dẫn đầu, đứng vị trí thứ 4, với quy mô tổng tài sản đạt gần 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm. Đây là ngân hàng tư nhân duy nhất ngoại trừ Big4 đạt mốc 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản.

Những vị trí còn lại lần lượt thuộc về: Techcombank, VPBank, ACB, Sacombank, SHB và HDBank. Tổng tài sản của 10 ngân hàng dẫn đầu đã lên tới hơn 12,3 triệu tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản của 29 nhà băng được thống kê.

Xét về tốc độ tăng trưởng, LPBank đang dẫn đầu khi có tổng tài sản tăng 73.000 tỷ đồng, hay 19,1% sau 9 tháng. Nam A Bank đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng với mức tăng thêm 13,8% so với đầu năm, lên gần 240.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, NCB, BVBank hay BIDV cũng là những ngân hàng tăng trưởng tổng tài sản nhanh, lần lượt ở mức 13,1%, 13,1% và 12% so với đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng đang bứt tốc những tháng gần đây

Tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng đang bứt tốc những tháng gần đây

Tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 14,8 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm ngoái.

Theo thống kê trên báo cáo tài chính, BIDV là quán quân về cho vay khách hàng với quy mô hơn 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với đầu năm. VietinBank ở vị trí tiếp theo với dư nợ ở mức 1,61 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.

Vietcombank với tổng dư nợ cho vay đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%, là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhóm Big4.

Tại khối ngân hàng TMCP tư nhân, MB và VPBank là hai ngân hàng có quy mô cho vay khách hàng cao nhất lần lượt đạt 702.020 tỷ đồng và 635.345 tỷ đồng, tăng 14,9% và 12,2% so với đầu năm.

Trong khi Techcombank có tốc độ tăng trưởng cho vay cao nhất, lên tới 20,8%, tổng dư nợ đạt 626.291 tỷ đồng; Ngoài ra, NCB tăng 16,3%; LPBank và HDBank tăng 16,1%...

Trong khi đó, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại 29 nhà băng đã tăng 7,2% trong 9 tháng đầu năm, đạt gần 10,8 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số là NCB (tăng 17,6% hay 13.505 tỷ đồng), LPBank (tăng 14,3% hay 33.911 tỷ đồng), MSB (tăng 12,2% hay 16.121 tỷ đồng), Sacombank (tăng 11%, hay 55.980 tỷ đồng) và MB (tăng 10,6% hay 60.034 tỷ đồng).

BIDV tạm thời dẫn đầu về lượng tiền gửi, đạt hơn 1,87 triệu tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9, tăng 9,9% hay 169.035 tỷ đồng so với đầu năm. Agribank dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2024, tuy nhiên, theo báo cáo bán niên, tiền gửi vào cuối tháng 6 của ông lớn này đạt 1,83 triệu tỷ đồng.

VietinBank và Vietcombank lần lượt nắm giữ hai vị trí tiếp theo, với số dư tiền gửi lần lượt ở mức 1,51 triệu tỷ đồng và 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% và 2,5% so với đầu năm.

Trong nhóm cổ phần, MB tiếp tục là ngân hàng nhận nhiều tiền gửi nhất, với số dư đạt 627.567 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm ngoái. Những vị trí tiếp theo thuộc về Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, SHB và HDBank…

Ngoài tiền gửi khách hàng, trước đó, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính chung huy động vốn của các nhà băng tính đến hết tháng 9 đạt 14,5 triệu tỷ đồng, thấp hơn dư nợ cho vay.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng thương mại đang phải dùng vốn điều lệ để cho vay, bù đắp phần thiếu hụt do huy động thấp hơn tín dụng.

“Không có chuyện 14-15 triệu tỷ đồng còn nằm tại ngân hàng bởi huy động được bao nhiêu các ngân hàng đã cho vay ra nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú khẳng định.