Xử lý tàu thuyền vi phạm trên hồ Tây

ANTĐ - Mặt nước hồ Tây có nguy cơ trở thành hoang hóa và tiếp tục bị phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm nếu như việc quản lý hoạt động các nhà nổi, tàu thuyền tại đây còn thiếu đồng bộ và lỏng lẻo.

Xử lý tàu thuyền vi phạm trên hồ Tây  ảnh 1Tình trạng vi phạm và ô nhiễm ở hồ Tây ngày càng nhức nhối

Sờ đâu cũng vi phạm

 Có mặt tại điểm tập trung các nhà nổi ven hồ Tây gần vườn hoa Lý Tự Trọng, phường Thụy Khuê, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy sự ô nhiễm đang gia tăng với mức độ trầm trọng. Mặt nước hồ vốn trong xanh nay đã biến màu đen ngòm, ngổ dại mọc um tùm và rác thải thì lưu cữu hết tháng này qua tháng khác. Cách đó không xa là 2 con tàu hoen gì bỏ không nằm án ngữ tầm nhìn của khách tham quan. 

Để đảm bảo cảnh quan mặt nước hồ Tây, cơ quan chức năng đã có chủ trương làm sạch mặt hồ tại khu vực này. Bên cạnh đó là xử lý các nhà nổi, tàu thuyền vi phạm, đồng thời di dời toàn bộ phương tiện thủy neo đậu tại đây đến góc hồ thuộc phường Nhật Tân để bố trí lại bến thủy nội địa. Chủ trương là như vậy, nhưng đến nay việc bắt tay vào xử lý các tàu thuyền, nhà nổi kinh doanh trên mặt nước vẫn chưa dứt điểm khiến cho hồ Tây càng trở nên mất mỹ quan và ô nhiễm.

Ngày 27-8, tổ công tác liên ngành gồm CAQ Tây Hồ, Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, Cảnh sát giao thông đường thủy, UBND quận Tây Hồ, Ban quản lý hồ Tây đã kiểm tra việc chấp hành, kinh doanh bến thủy nội địa, bến vui chơi giải trí tại hồ Tây và phát hiện có 7 trên tổng số 127 phương tiện đã hết hạn đăng kiểm. Cụ thể, du thuyền Tây Long 2 vi phạm lỗi không có bảo hiểm dân sự theo quy định, du thuyền Potomac vi phạm lỗi nhân viên không có chứng chỉ nghiệp vụ an toàn giao thông, Công ty cổ phần du lịch hồ Tây vi phạm các lỗi sử dụng phương tiện sai quy định, nhân viên, thuyền viên chưa có bằng và chứng chỉ chuyên môn.

Kết thúc buổi kiểm tra, lực lượng liên ngành đã có kết luận đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa của các đơn vị đang hoạt động trái phép trên hồ Tây. Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp trên bị xử lý mà trước đó họ đã từng bị xử phạt với tổng số tiền trên 46 triệu đồng. Cũng trong đợt kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số tàu cũ nát, không còn hoạt động và đề nghị UBND quận Tây Hồ sớm rà soát thanh thải trả lại cảnh quan cho mặt hồ.

Các “nhà nổi” tiến thoái lưỡng nan

Đại diện Ban quản lý hồ Tây thuộc UBND quận Tây Hồ nêu nhiều bất cập trong việc di chuyển các nhà nổi, tàu thuyền đến vị trí đã quy hoạch tại khu vực Đầm Bẩy thuộc phường Nhật Tân. Trong đó có lý do các đơn vị kinh doanh muốn kéo dài thời gian di chuyển vì vị trí hiện tại đang  thuận lợi cho việc kinh doanh. Một số chủ kinh doanh than phiền, thời hạn hợp đồng mặt nước sau khi chuyển đến Đầm Bẩy chỉ ký 1 năm một lần mà không được ký dài hạn, trong khi việc đầu tư cho bến thủy trên hồ Tây lên đến cả tỷ đồng, như vậy không phù hợp với kinh doanh.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lo lắng về quy hoạch điện, nước hạ tầng tại vị trí mới vẫn chưa có. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, đại diện Ban quản lý hồ Tây khẳng định, hầu hết các phương tiện thủy hiện có mặt tại khu vực ven hồ Tây thuộc phường Thụy Khuê đều đang hoạt động bến thủy nội địa trái phép. Việc quy hoạch và di dời những phương tiện này đến khu vực Đầm Bẩy thuộc phường Nhật Tân là chủ trương đúng của thành phố nhằm trả lại cảnh quan cho không gian du lịch thắng cảnh hồ Tây. Song, việc thực hiện chưa quyết liệt của các đơn vị chức năng đã dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nước hồ, điều này cần sớm được khắc phục.