Xót xa hoàn cảnh một gia đình toàn người tàn tật

ANTĐ - Có một gia đình mà khi nhắc đến hầu hết người dân trong xã đều biết đến bởi gia đình này mang nỗi đau của  một “gia đình tàn tật”. Đó là gia đình bà Trần Thị Thập 78 tuổi ở Xóm 5, xã Cao Sơn, Anh Sơn, Nghệ An.
Xót xa hoàn cảnh một gia đình toàn người tàn tật ảnh 1
Bà Thập và những đứa con tàn tật

Từ con đường 7, vượt qua gần chục km nhiều đèo dốc chúng tôi đến với gia đình bà Thập. Căn nhà nhỏ 2 gian cũ nát đầy rêu mốc bởi sự bào mòn của thời gian là nơi tá túc của những con người mang kiếp tàn tật. Tận mắt chứng kiến chúng tôi không khỏi rơi nước mắt trước cảnh những người con của bà Thập quần áo rách rưới nằm ngồi la liệt trong căn nhà. Cuộc sống của họ quả thật nhiều nỗi bất hạnh. Hỏi ra mới biết những gì người dân nói về gia cảnh nghèo khổ của gia đình này quả thật không sai.

Dồn dập nỗi đau tàn tật

Khi biết chúng muốn tìm hiểu giúp đỡ gia đình những con người khốn khổ này không ngần ngại thi nhau kể cho chúng tôi về nỗi đau mà họ phải mang theo từ nhiều năm nay.

Bà Thập kể rằng, bà cũng như bao người con gái khác ở chốn quê nghèo này, lớn lên trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, theo tiếng gọi bảo vệ tổ quốc bà tình nguyện ra nhập vào đội dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ tại khu vực Thượng Lào. Trong thời gian tham gia tại đây bà đã may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Hồ cũng tham gia chiến đấu tại đây và hai người đã sớm có tình cảm với nhau để rồi hai người đã quyết định đến với nhau và nên vợ nên chồng vào năm 1954.

Bà Thập sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái) thế nhưng những đứa con ông bà sinh ra không được lành lặn như mong muốn. Năm 1956 ông bà đau đớn như cắt từng khúc ruột khi đứa con trai đầu lòng là Nguyễn Văn Hùng sinh ra đã bị bại liệt tay chân, toàn thân co quắp không thể co duỗi được, thường xuyên đau ốm èo oặt, ông bà đã phải vất vả làm đủ việc để chăm sóc cho đứa con không được may mắn này. Đau đớn thêm khi vào 3 năm sau đó, năm 1959, bà sinh đứa con gái thứ 2 là chị Nguyễn Thị Minh, cũng giống như anh Hùng, Minh toàn thân co quắp, bị liệt hai chân. Niềm hi vọng có được đứa con lành lặn lại hoàn toàn sụp đổ. Trời đất như quay cuồng đảo lộn. Bà Thập đau đớn và ốm nằm liệt giường mấy tháng trời. Nhưng rồi ông bà cũng tự an ủi nhau để vượt qua nỗi đau con cái tật nguyền.

Bà Thập nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi đâu có ở ác mà trời đày như vậy chứ! Lúc sinh con, tôi hoàn toàn suy sụp chỉ muốn chết đi để khỏi phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó nhưng nhờ bà con làng xóm và nhờ ông ấy (chồng bà) an ủi động viên tôi rất nhiều nên tôi đã vượt qua được nỗi đau…”.

Ước mơ về một đứa con khỏe mạnh lành lặn vẫn âm ỉ thôi thúc ông bà sinh tiếp. Năm 1961 bà Thập lại sinh tiếp đưa thứ 3 là Nguyễn Thị Mỹ, lần này thì ông bà có được hạnh phúc hơn chút ít khi Mỹ chào đời bình thường như bao người khác. Nhưng niềm vui đó ngắn chẳng tày gang, mấy tháng sau khi sinh chân trái của Mỹ dần teo tóp lại, tuy nhiên vẫn cử động và di chuyển được. Ông bà rất đau đớn nhưng cũng có được niềm an ủi là Mỹ không tàn phế như 2 đưa con đầu và ông bà lại tiếp tục sinh con với hi vọng nhiều hơn ở lần sinh tới con ông bà sẽ hoàn toàn lành lặn. Thế là năm 1968 bà Thập sinh ra Nguyễn Thị Diện hoàn toàn lành lặn khỏe mạnh. Niềm vui như tràn ngập gia đình, mơ ước về một đứa con lành lặn, khỏe mạnh không bệnh tật của ông bà đã thành sự thật. Nhưng dường như niềm vui của ông bà chỉ là sự ngắt quãng, năm 1972 ông bà lại sinh ra Nguyễn Văn Hồng, cũng là nỗi đau đớn nhất bởi anh là người bị tàn tật nặng nhất. Hồng sinh ra lưng đã gù, thân thể co quắp, tay chân không thể di chuyển được. Dường như mọi nỗi tật nguyền đều hội tụ về với gia đình bà, cũng từ đó nỗi đau đớn vì mình chỉ sinh ra những đứa con tàn tật đã đưa ông ba tới quyết định sẽ không bao giờ sinh thêm đứa con nào nữa.

Nỗi đau vẫn còn kéo dài theo năm tháng  

Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nơi miền quê nghèo, không có tiền đưa các con đi chữa trị, ông bà chỉ biết ngậm đắng vào lòng và chấp nhận phó mặc cho số phận. Những đứa con tàn tật của ông bà không được đi hoc, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, muốn đi đâu cũng phải có người ẵm bồng, lại thường xuyên đau ốm. Khi còn sức khỏe ông bà chỉ biết quần quật làm đủ mọi việc để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa con tật nguyền, giờ chồng đã mất đi chỉ còn mình bà chăm sóc cho những đứa con bệnh tật nhưng sức khỏe của bà đã yếu nên chăng làm được việc gì.

Khi được hỏi bà có mong ước gì không? Bà Thập quệt nước mắt nói: “Các chú biết chúng nó toàn tàn tật vậy đó. Chúng nó suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, đã bao năm qua tôi phải vất vả nhiều rồi, giờ không biết sẽ ra đi lúc nào chỉ mong sao chúng nó có được cuộc sống đỡ vất vả hơn, tôi nhắm mắt cũng an lòng…”

Bà Thập nay đã già yếu không làm được gì, các con của bà thường xuyên đau ốm, gia đình bà được chính quyền xóm  xếp vào diện hộ nghèo từ nhiều năm nay. Hiện chị Diện và chị Mỹ đã may mắn lấy được chồng ở xa, thế nhưng gia cảnh lại nghèo nên không thể giúp đỡ được gì. Anh Hùng cũng may mắn lấy được vợ nhưng vẫn ở chung nhà với anh Hồng, chị Minh và bà Thập. Mọi chi phí thuốc men ăn uống sinh hoạt của gia đình bà đều phụ thuộc vào 2 sào ruộng cho làm khoán và khoản trợ cấp (mỗi người 420.000đồng) của nhà nước. Nhưng số tiền đó với giá cả vật phẩm như hiện nay vẫn không đủ để trang trải cho mọi chi phí sinh hoạt của gia đình bà.

Xác nhận về hoàn cảnh của gia đình bà Thập, anh Trần Đức Thành xóm trưởng Xóm 5 cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình bà Thập hiện tại rất khó khăn, gia đình bà toàn người tàn tật thì ai cũng biết, chính quyền xóm cũng thường xuyên thăm hỏi động viên gia đình bà, mỗi khi có chính sách hỗ trợ từ cấp trên xóm luôn ưu tiên cho gia đình bà nhiều nhất nhưng xóm còn nghèo và còn nhiều đối tượng khác cũng khó khăn nên cũng không giúp được gì nhiều”.

Chào gia đình bà ra về chúng tôi không khỏi xót thương và ái ngại cho hoàn cảnh của gia đình bà, không biết cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu không có sự giúp đỡ của mọi người. Rất mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ cho gia đình khốn khổ này để họ đỡ phần vất vả.