Xót xa con theo mẹ vào tù

(ANTĐ) - Sinh ra trong hoàn cảnh éo le, mẹ vào tù, gia đình ly tán… chẳng ai nuôi dưỡng, nhiều đứa trẻ phải theo mẹ vào sống trong tù.
Đây không chỉ là nỗi đau của chính những người làm cha, làm mẹ mà ngay cả những người có trách nhiệm không khỏi đau đáu đi tìm lời giải cho “bài toán” này…Trường học đặc biệt trong trại giam Trại giam số 5 - Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Yên Giang, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là trại có số lượng phạm nhân án dài khá lớn (hơn 4000 phạm nhân). Hầu hết những phạm nhân thụ án trong trại này chủ yếu là từ 15 năm, 22 năm đến chung thân… Trại giam số 5 còn có lượng nữ phạm nhân đông nhất miền Bắc. Trong số hàng nghìn phạm nhân nữ đang cải tạo ở đây, nhiều người có con nhỏ mà do những hoàn cảnh khác nhau nên khi họ bước chân vào trại giam, các con của họ trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa. Để họ yên tâm cải tạo, chính sách nhân đạo của Nhà nước đã cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi không người nuôi dưỡng được mang theo con vào trại. Thượng tá Nguyễn Văn Vân - Phó Trưởng giám thị Trại giam số 5 không khỏi băn khoăn khi nhắc đến hàng chục cháu bé là con của các phạm nhân. Hiện trại có gần hai mươi cháu, có thời điểm lên tới hơn 50 cháu là con của các phạm nhân có án dài. Vì thế, trại giam phải xây dựng, tổ chức thêm một nhà trẻ để nuôi các cháu. Tuy nhiên, việc quản lý, nuôi dạy như thế nào vẫn là bài toán khó. Làm sao cho đúng pháp luật, đảm bảo cho các cháu quyền như những đứa trẻ đang sống bên ngoài xã hội?
Xót xa con theo mẹ vào tù ảnh 1
Một bé sống trong trại giam số 5 cùng mẹ
“Để làm được việc này, chúng tôi phải phân công các anh, chị phạm nhân có trình độ chuyên môn về sư phạm cùng phụ giúp một số cán bộ của trại dạy dỗ các cháu. Chúng tôi cũng tổ chức lớp học cho các cháu theo từng độ tuổi. Tuy nhiên, việc làm này sau đó phải dừng lại vì chúng tôi có dạy cao hơn nữa thì cũng chẳng thể cấp chứng chỉ hay bằng cấp như ở ngoài. Có những thời điểm quá tải, trại phải cử cán bộ về địa phương xác minh và động viên gia đình đón các cháu về nuôi. Bởi cứ để các cháu ở mãi trong này sẽ thiệt thòi cho các cháu. Đặc biệt, nếu như rơi vào trường hợp con của phạm nhân có án dài từ 17 năm trở lên thì ai nuôi được? Trong khi đó, chưa giải quyết được đợt này thì đợt khác lại đến. Hiện còn 5-6 cháu đến tuổi đi học mà chúng tôi không phải biết làm thế nào, bây giờ các cháu mà không được học là mình thấy áy náy quá” - Thượng tá Vân chia sẻ.Bi kịch được báo trước Một thực tế không thể phủ nhận đối với một số phạm nhân trước khi bị bắt giữ, để trốn tránh việc giam giữ hay kéo dài thời gian thi hành án đã cố tình mang thai. Tuy nhiên, cũng có những lý do khác như sau những cuộc chơi bời trác tác để lại hậu quả có thai. Đến khi sinh con ra nhìn nó chẳng giống ai nên những đứa trẻ này bị người cha, hay chính bản thân gia đình phạm nhân cũng từ chối nuôi dạy. Thượng tá Nguyễn Thị Can - Phó Trưởng giám thị Trại giam số 5 tâm sự, là người có thâm niên hơn 30 năm làm Cảnh sát trại giam, chứng kiến cảnh nhiều phạm nhân nữ có hoàn cảnh éo le như vậy, cũng là người phụ nữ chưa lúc nào  bà thấy thanh thản. Chính vì vậy, khi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của những phạm nhân này, Ban Giám thị trại giam luôn cố gắng dành sự quan tâm động viên chia sẻ nhiều hơn, đồng thời động viên, san sẻ thêm cả về vật chất lẫn tinh thần cho các bé, để mẹ chúng yên tâm cải tạo. Dẫn chúng tôi đến lớp mẫu giáo và lớp nhà trẻ, Trung tá Nguyễn Bá Bảo - cán bộ Đội Giáo dục hồ sơ - Trại giam số 5 giới thiệu: Lớp nhà trẻ có hơn chục cháu, cháu bé nhất mới 5 tháng tuổi, cháu lớn nhất 2 tuổi. Còn lớp mẫu giáo cũng có gần 10 cháu, tất cả đều trên 2 tuổi. Các cháu được đưa về đây theo mẹ từ nhiều tỉnh như Hà Nội, Hoà Bình, Tuyên Quang, Sơn La… Thậm chí có bé cả bố và mẹ đều đang chấp hành án ở đây, còn các bé khác không có cha hoặc cha không nhận hoặc ông bà nội ngoại đã già yếu không còn khả năng nuôi dưỡng. Thực trạng, nhiều trẻ em phải theo mẹ vào ở tù đang trở thành bài toán khó đối với một số trại giam trên cả nước nói chung và với Trại giam số 5 nói riêng. Nhưng có lẽ bằng tình yêu thương và tấm lòng sẻ chia, các cán bộ giám thị đang làm hết mình để những cháu bé vô tội có môi trường sống trong lành. Phải nói rằng, những nỗ lực từ phía Ban giám thị Trại giam số 5 là rất đáng ghi nhận, nhưng để đưa các em trở lại hoà nhập với cộng đồng thì cần phải có sự quan tâm vào cuộc, phối hợp của nhiều cơ quan chức năng khác. “Chúng tôi cũng đã liên hệ với các cơ quan đoàn thể của tỉnh phối hợp giải quyết việc này nhưng vẫn chưa có kết quả. Đối với trường hợp phạm nhân có án ngắn, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu thì có thể đình chỉ cho họ trở về gia đình nuôi con đến trên 36 tháng tuổi thì lại quay trở lại thụ án. Còn những trường hợp phạm nhân có con trên 36 tháng tuổi nhưng gia đình thân nhân họ không có hoặc không nhận nên phải đưa vào các Trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH). Tuy nhiên, khi chúng tôi phối hợp với TTBTXH tỉnh Thanh Hóa thì họ không nhận. Bởi vì bản thân các cháu không phải người ở Thanh Hóa. TTBTXH tỉnh Thanh Hóa chỉ nuôi dưỡng khoảng 50-60 cháu là con của những gia đình chính sách… bây giờ lại “cõng” thêm mấy chục cháu là con của phạm nhân thì không kham nổi” - Thượng tá Vân cho biết.