Xét xử phúc thẩm bà chủ Vạn Thịnh Phát tham ô 304.000 tỷ đồng và 48 bị cáo liên quan

ANTD.VN - Hôm nay (4-11), Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 48 bị cáo liên quan trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – giai đoạn 1.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 48 bị cáo liên quan; kháng cáo của bị hại là SCB và kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 24-11 với thành phần hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán và do Thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM tham gia phiên tòa gồm 3 kiểm sát viên. Bà chủ Vạn Thịnh Phát tiếp tục có nhiều luật sư bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm, trong đó có luật sự Giang Hồng Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Trong kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bản án sơ thẩm tuyên tử hình đối với mình là quá nghiêm khắc. Theo đơn kháng cáo, bị cáo Lan trình bày, bà ta cùng người thân và các bạn bè đã giúp Ngân hàng SCB hợp nhất kịp thời vào ngày 1-1-2012 theo lời vận động và kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định toàn hệ thống tiền tệ tài chính quốc gia.

Vào thời điểm đó, SCB có tổng tài sản là 145.000 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả là 133.000 tỷ đồng với lãi suất 35 - 52% mà SCB không có tài sản đáng giá, áp lực rất lớn. Các cổ đông đã không chia lợi nhuận suốt 11 năm, cho mượn tiền, sổ tiết kiệm, tài sản. SCB đã hoạt động ổn định, không mất thanh khoản, không vay tái cấp vốn, không sử dụng kinh phí của Ngân hàng Nhà nước.

Ngày nay SCB đã trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần có tổng giá trị tài sản lớn. "Dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa xét xử sơ thẩm tôi luôn thể hiện sự tự nguyện mang hết tài sản của tôi và tích cực phối hợp cùng SCB giải quyết khắc phục hậu quả, dùng các dự án đang dang dở để thu hồi đúng giá trị cho SCB.

SCB là một ngân hàng thương mại cổ phần có hàng nghìn cổ đông và hàng nghìn khách hàng vay tiền gồm các cá nhân, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.

“SCB hoạt động theo luật tổ chức tín dụng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các liên ngành suốt 11 năm và không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy buộc cho một cá nhân chịu trách nhiệm toàn bộ" – đơn kháng cáo nêu.

Từ đó, bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan xin hội đồng xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thấu đáo và có đường lối xử lý phù hợp đối với gia đình bà cùng một số cá nhân khác.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm vụ án giai đoạn 1 đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương số tiền 673.849 tỷ đồng.

Theo án sơ thẩm, tính đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên hộ. Lợi dụng vai trò là cổ đông lớn, quyền lực, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB, bị cáo Lan đã truyền đạt ý chí cho các bị cáo ở SBC thực hiện việc rút tiền từ ngân hàng để chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.

Các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (đều là cựu lãnh đạo SCB) tiếp nhận ý chí của Lan, bỏ qua các quy định pháp luật, giúp sức tích cực để bà chủ Vạn Thịnh Phát rút tiền của tổ chức tín dụng, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Liên quan, 85 bị cáo còn lại trong vụ án lần lượt bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân, theo các tội danh tương ứng. Trong số này, 37 người không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.